Năm cơ sở chăn nuôi heo ở Bà Rịa-Vũng Tàu vừa bị cơ quan chức năng phát hiện sử dụng thức ăn chăn nuôi dương tính với chất cấm độc hại beta-agonists…
Thông tin này cho thấy việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải chỉ ở Đồng Nai, và cũng không phải “chỉ một số ít” như cách một số người có trách nhiệm thường nói sau loạt bài điều tra Kinh hoàng heo siêu nạc, đăng trên Thanh Niên cuối tháng 2.
Chỉ sử dụng những nghiệp vụ bình thường, PV Thanh Niên đã “bắt tận tay, day tận mặt” những cơ sở bán chất cấm độc hại. Ngay sau đó, lực lượng chức năng vào cuộc và phát hiện hàng tấn chất tạo nạc trên địa bàn Đồng Nai.
Thực tế này cho thấy việc phát hiện chất tạo nạc không phải “quá khó” và những cơ sở buôn bán chất này cũng chẳng hoạt động tinh vi gì. Mà nếu không quá khó, không tinh vi thì vì sao trước đó lực lượng này không phát hiện ra? Câu trả lời chỉ có thể là năng lực quản lý của cơ quan chuyên trách yếu kém, hoặc có sự dung túng của một số cán bộ liên quan.
Thực ra, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không phải đến khi Báo Thanh Niên vào cuộc mới “lòi ra”, mà từ năm 2007 đã rộ lên, cơ quan chức năng biết, đã vào cuộc nhưng đến nay chúng vẫn tồn tại, không phải âm ỉ mà tràn lan “muốn mua bao nhiêu cũng có” như điều tra của PV Thanh Niên.
Bức xúc trước thực trạng này, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ liên quan và UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra, báo cáo trước ngày 30.3. Trong một cuộc họp triển khai các biện pháp kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vào đầu tháng 3, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Phải triệt nạn này như việc lực lượng công an đang đánh án ma túy ấy. Bắt được thằng bán vài tép ma túy rồi truy ra cả đường dây và đánh sập nó. Cũng phải làm như thế này đối với chất cấm trong chăn nuôi”.
Nhưng câu hỏi đặt ra là ai sẽ làm, khi mà chính lực lượng chức năng địa phương dường như còn nhiều lấn cấn. Chẳng hạn, việc lực lượng chức năng ở Đồng Nai phát hiện hàng tấn chất được cho là chất tạo nạc, lấy mẫu đi xét nghiệm từ đầu tháng 3, nhưng đến nay vẫn chưa công khai kết quả; trong khi việc xét nghiệm chỉ cần vài ba ngày.
Sự chậm trễ này có thể khiến người tiêu dùng lãnh đủ, bởi nếu đó là chất cấm thì hơn 2 tuần qua những đầu mối lấy cùng nguồn hàng này đã thừa thời gian đem hàng đi tẩu tán, tiêu thụ trên thị trường. Ngược lại, nếu đó không phải chất cấm thì doanh nghiệp bị thiệt hại do lô hàng bị niêm phong chờ kiểm nghiệm quá lâu, còn người tiêu dùng hoang mang không biết thực hư ra sao.
Trong cuộc đối thoại trực tuyến hôm qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát một lần nữa kêu gọi người dân tẩy chay những người buôn bán, sử dụng chất cấm độc hại trong chăn nuôi. Nhưng người dân làm sao biết cơ sở nào sử dụng chất cấm mà tẩy chay, nếu cơ quan chức năng không công khai kết quả kiểm tra, kiểm nghiệm, tên cơ sở vi phạm…
Và điều quan trọng hơn, các địa phương phải thực sự vào cuộc quyết liệt, phải quy trách nhiệm và xử lý nghiêm những cán bộ yếu kém, truy tố những cán bộ dung túng cho chất cấm giống như xử lý những trường hợp mua bán, sử dụng chất cấm. Đó mới là triệt tận gốc tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Minh Đức
Bình luận (0)