Yêu thế nào cho phải

21/07/2015 07:34 GMT+7

Bây giờ nghe ca nhạc, thì trong 100 bài hát có ít nhất hơn 90 bài về đề tài tình yêu. Tình yêu đã lên ngôi ở VN? Chưa hẳn. Vì thử thống kê, trong 10 vụ giết người ở VN hiện nay, thì có hơn 6 vụ là “vì tình”. Vì tình mà tước đoạt mạng sống của người khác ư? Nghe rất khó hiểu. Nhưng đúng là như vậy.

Bây giờ nghe ca nhạc, thì trong 100 bài hát có ít nhất hơn 90 bài về đề tài tình yêu. Tình yêu đã lên ngôi ở VN? Chưa hẳn. Vì thử thống kê, trong 10 vụ giết người ở VN hiện nay, thì có hơn 6 vụ là “vì tình”. Vì tình mà tước đoạt mạng sống của người khác ư? Nghe rất khó hiểu. Nhưng đúng là như vậy.
Trong hai vụ thảm sát kinh hoàng ở Bình Phước và Nghệ An mới đây, thì đều có dính dáng đến “vị đắng tình yêu”. Ai đã từng trải hẳn đều biết, trong tình yêu không chỉ toàn “vị ngọt”. “Vị đắng” trong tình yêu là có thật, và có không ít.
Ngày xưa, khi tình yêu gặp “vị đắng”, người trong cuộc có khi cũng gây ra cái chết. Nhưng đó là cái chết của chính họ, khi họ không thể sống mà thiếu người mình yêu tha thiết. Vì rất nhiều lý do. Điều này, văn học ngày trước cũng đã phản ánh khá sâu sắc và khá bi thương. Còn bây giờ? Vì nhiều lý do, không yêu được người mình yêu thì... ra tay hạ sát luôn người yêu. Hơn thế nữa, và quá dã man, là hạ sát cả gia đình người mình yêu, dù họ không có tội tình gì. Yêu mà như thế thì thật khủng khiếp!
Trong chuyện này, có lỗi của cả xã hội. Có lỗi từ lối sống ích kỷ coi mình là nhất, mình là trung tâm (hoang tưởng) của cộng đồng. Trong chuyện này, còn có lỗi của truyền thông, có lỗi của văn học. Không phải cứ muốn viết thế nào thì viết, viết cho sướng tay, cho sướng mình, mà bất kể hậu quả có thể gây ra cho xã hội, cho cộng đồng. Loại truyện “ngôn tình” quá ba láp và vô cùng độc hại của Tàu vừa qua đã phổ biến cực rộng ở VN có thể là một trong những tác nhân gây ra những thảm kịch giết người tại VN.
Nên nhớ, sự lan tỏa của truyền thông hay văn học không chỉ đến một cách trực tiếp, mà còn qua rất nhiều kênh gián tiếp. Nó có thể làm trong sạch bầu không khí, và ngược lại, có thể đầu độc bầu không khí mà chúng ta đang sống. Dĩ nhiên, sự suy thoái đạo đức xã hội không chỉ đến từ truyền thông hay văn học rẻ tiền. Nó còn đến từ chính những người được coi là “sang trọng” trong xã hội ngày nay nữa. Cái này thì mỗi người nên tự xem lại mình, là cách sống của mình đang tỏa ra dưỡng khí hay xì ra độc khí?
Mỗi con người như một cái cây, sẽ làm tốt bầu khí quyển nếu tỏa ra dưỡng khí, và sẽ đầu độc xã hội nếu xì ra độc khí. Sự ích kỷ cực đoan đang là độc khí gây nguy hiểm cho xã hội hôm nay. Hầu hết những vụ án mạng xảy ra gần đây, sát thủ đều là những kẻ ích kỷ đến cực đoan, ích kỷ đến tàn ác. Một xã hội mà ai cũng chỉ biết có mình, chỉ bo bo giành lấy về cho mình mọi lợi lộc, kể cả người yêu, còn khi không giành được thì ra tay phá sạch, kể cả đoạt mạng sống của người mình từng yêu, thì phải coi đó là xã hội đang “báo động đỏ”.
Mỗi con người phải tự thay đổi, phải sống và yêu như một con người bình thường, phải biết sống không chỉ vì mình, mà còn vì người khác, mỗi con người như thế sẽ làm nên một xã hội nhân ái, lành sạch và đáng sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.