Yếu tố nào giúp tăng trưởng chiều cao?

20/07/2011 08:22 GMT+7

Để chiều cao có thể được tăng trưởng hết tiềm năng di truyền cho phép cần có rất nhiều yếu tố: dinh dưỡng, giấc ngủ, hoạt động thể lực và môi trường. Trong đó yếu tố dinh dưỡng là quan trọng nhất.

Khi nói đến dinh dưỡng, người ta thường quan tâm đến năng lượng và chất đạm nhưng dễ bỏ qua các vi chất dinh dưỡng. Đây là những dưỡng chất cơ thể cần rất ít nhưng hết sức quan trọng đối với sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ. Trong số các vi chất dinh dưỡng thì vitamin A, chất sắt, iôt và chất kẽm hay bị thiếu. Mặc dù ăn đủ nhu cầu về năng lượng nhưng thiếu những vi chất này trẻ sẽ không thể tăng trưởng tốt về thể chất và trí não, cũng không thể phát triển toàn diện.

Trong suốt một đời người, những giai đoạn chiều cao phát triển nhanh nhất là:

- Trong bào thai (chỉ trong 9 tháng 10 ngày thai nhi đã dài được 50cm).

- Ba năm đầu đời: năm đầu tiên tăng 25cm, năm thứ hai và thứ ba tăng 20cm (mỗi năm tăng 10cm).

- Thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì: tăng 12-14cm.

Bên cạnh yếu tố dinh dưỡng thì giấc ngủ quan trọng không kém. Giấc ngủ đủ và sâu sẽ giúp trẻ tăng trưởng tốt về chiều cao do hormon tăng trưởng được tiết ra nhiều nhất vào ban đêm, khi trẻ ngủ say. Nói đến giấc ngủ thì tưởng rằng rất dễ vì chỉ cần cho trẻ ngủ sớm là được. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này chỉ dễ đối với trẻ tuổi mầm non (tiền học đường).

Bước sang tuổi học đường, gánh nặng bài vở và thi cử làm học sinh của chúng ta hầu như không thể có giấc ngủ đủ đầy như ông bà ta thường gọi đây là “tuổi ăn, tuổi ngủ”. Nhiều học sinh chỉ ao ước được quăng hết bài vở và ngủ một giấc thật dài.

Một yếu tố không kém phần quan trọng nhưng rất hay bị lãng quên là hoạt động thể lực. Vận động thể lực thường xuyên giúp phát triển hệ cơ xương của trẻ nên làm tăng tầm vóc và thể lực tốt hơn. Song chúng ta có chú trọng đến việc tập luyện ngay từ bé? Các tiết học thể dục hiện nay có đủ để tăng cường thể lực và tầm vóc của thanh thiếu niên? Đó là chưa kể sự thiếu hấp dẫn của các loại hình vận động trong trường học.

Để có thể lực tốt, lứa tuổi thanh thiếu niên cần hoạt động thể lực ở cường độ từ trung bình trở lên ít nhất 60 phút mỗi ngày. Cường độ trung bình có nghĩa là nhịp tim tăng nhanh, nhịp thở tăng đến mức thở hổn hển và nói đứt quãng. Khi đó tim hoạt động nhiều hơn và phổi thông khí tốt hơn. Đây là cách luyện cho hệ tim mạch và hô hấp rất tốt. Học sinh của chúng ta hiện nay ngồi quá nhiều và hầu như rất thụ động. Ở trường là thế, khi về đến nhà trẻ cũng không có thời gian và không gian để tranh thủ vận động. Ước gì xứ mình có lề đường an toàn cho người đi bộ!

Môi trường đầy ô nhiễm có phải là môi trường tốt để trẻ tăng trưởng? Tội nghiệp sao những em bé được cha mẹ chở đến trường phải trùm khăn kín mít nhưng vẫn bị viêm hô hấp tái đi tái lại. Sự viêm nhiễm thường xuyên như vậy khiến trẻ không lớn nổi dù gia đình có lo cho trẻ những bữa ăn bổ dưỡng. Đó là chưa kể vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo khiến trẻ hết bị tiêu chảy lại nôn ói vì ngộ độc thức ăn. Giải quyết các vấn đề này quả không dễ.

Như vậy, để tăng tầm vóc cho cả một thế hệ, đừng tưởng chỉ cần uống sữa là đủ mà còn rất cần các yếu tố khác liên quan.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.