20 năm vụ khủng bố 11.9: Khoảnh khắc định mệnh và đau thương qua tranh ảnh

Huệ Bình
Huệ Bình
11/09/2021 01:00 GMT+7

Sau 20 năm, vụ tấn công khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) ở thành phố New York ngày 11.9.2001 mãi không thể xóa nhòa trong tâm trí nhiều nghệ sĩ Mỹ.

Vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 đã thay đổi cuộc sống ở Mỹ, để lại những hậu quả lâu dài đối với chính trị và an ninh quốc gia. Anh em nghệ sĩ sinh đôi Mike và Doug Starn nhớ rằng có những cơn gió nhẹ thổi về phía đông nam vào buổi sáng ngày định mệnh. Xưởng làm việc của anh em nghệ sĩ lọt thỏm trong các khu phố Red Hook và Carroll Gardens, cách Trung tâm Thương mại thế giới hơn 1 km.
Vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, các nghệ sĩ đang thực hiện tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ lá cây. Hai anh em nhà Starn kể rằng: “Giấy tờ, thư từ của những người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố bay tứ tung khắp phố, chúng tôi đi gom lại. Chúng tôi cố nhặt giấy tờ gần xưởng làm việc vì nghĩ không thể để đồ của người mất như đồ bỏ đi, cho vào thùng rác được”. Từ giấy tờ nhặt được, Mike và Doug Starn làm thành tác phẩm nghệ thuật có tên Fallen (tạm dịch: Rơi xuống). Mike Starn nói với trang The Art Newspaper: “Chúng tôi tráng phủ giấy tờ bằng chất liệu bạc gelatin và in lên đó hình ảnh chiếc lá. Những tờ giấy từ trên trời rơi xuống như những chiếc lá vào mùa thu. Lá là lá phổi của cây cối, hấp thụ ánh nắng mặt trời và nuôi cây cối bằng ánh nắng. Thông qua tác phẩm này, chúng tôi muốn thể hiện ranh giới giữa sống và chết trên những tờ giấy này”.
Mike và Doug Starn đặc biệt nhớ một bức thư được gửi từ thành phố Boston, có dấu bưu điện đề một ngày trước vụ tấn công. “Đối với chúng tôi tác phẩm nghệ thuật, có dấu bưu điện từ Boston, ngày 10.9.2001, giống như dấu mốc sang một trang khác của nước Mỹ. Có thể đó là một cú sốc lớn hơn đối với nhiều người Mỹ da trắng, những người chưa từng bị tổn thương”.

Tác phẩm nghệ thuật Fallen của Mike và Doug Starn

Ảnh: The Guardian

Họa sĩ Ford Crull đang ở trong xưởng vẽ trên đường Broadway khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa tháp bắc của Trung tâm Thương mại thế giới. Ford Crull chứng kiến chiếc máy bay thứ hai lao vào tòa tháp phía nam. Các tòa nhà đổ sụp, “một cơn bão tro bụi và mây mù bao trùm mọi thứ như thể đang ở trong sự kiện Dustbowl”. Dust Bowl, hay còn gọi là sự kiện “cơn bão đen”, gồm nhiều cơn bão cát tấn công và gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hệ sinh thái, nông nghiệp từ năm 1930 đến 1936 ở Bắc Mỹ.
Ford Crull đã đi đến khu Manhattan, qua các điểm chốt an ninh và chụp ảnh. Những bức ảnh chụp ngày 11.9.2001 của Ford Crull cho thấy cảnh hoang tàn đổ nát. Ford Crull nhớ lại: “Suốt nhiều tuần, tôi luôn cảm thấy thật khó thở và không bao giờ quên được mùi khi đó. Kim loại, cao su cháy khét lẹt, giống như đang làm việc trong các nhà máy thép. Bức tranh đầu tiên mà tôi vẽ sau ngày 11.9 rực một màu đỏ, với tiêu đề All That Matters (tạm dịch: Những điều quan trọng nhất). Thú vị ở chỗ đó là bức tranh duy nhất bán được khi tôi triển lãm tranh vào tháng 11.2001 ở New York”.

Bức tranh All That Matters của họa sĩ Ford Crull và bức ảnh gây ám ảnh của nhiếp ảnh gia Richard Drew

Ảnh: fordcrull.com, news beezer

Họa sĩ Keith Mayerson, giảng dạy tại Trường Đại học New York vào thời điểm đó, nhớ lại ông đang hướng dẫn một lớp vẽ của sinh viên năm nhất khi máy bay tấn công. Ông và sinh viên “choáng ngợp”, hoang mang tột độ. “Tôi nhanh chóng đi bộ đến Công viên Quảng trường Washington, chứng kiến các tòa tháp đổ sụp”. Họa sĩ mất gần 6 năm để vẽ về ngày 11.9.
Có những bức ảnh ghi lại chính xác những khoảnh khắc định mệnh như bức ảnh The Falling Man (tạm dịch: Người đàn ông rơi). Nhiếp ảnh gia Richard Drew, tác giả của bức ảnh, đã có cuộc trò chuyện với Đài CBS để kể lại sự việc và khoảnh khắc chụp lại bức ảnh gây ám ảnh nhiều năm qua. Vào ngày 11.9.2001, tại thời điểm máy bay khủng bố đâm vào tòa tháp đôi tại Trung tâm Thương mại thế giới, ông đang chụp ảnh tại một buổi trình diễn thời trang dành cho bà bầu. Sau khi nhận được cú điện thoại thông báo vụ tấn công, Richard Drew lao đến tàu điện ngầm để đến khu vực phía nam Manhattan. Richard Drew kể rằng ông bắt đầu chụp ảnh ngay khi bước ra khỏi tàu “theo phản xạ”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.