Boeing tiếp tục gặp 'hạn'

09/05/2024 06:19 GMT+7

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) mở cuộc điều tra mới đối với Boeing sau khi hãng thừa nhận có lẽ đã không hoàn thành quá trình kiểm tra một số máy bay 787 Dreamliner trước khi xuất xưởng.

FAA cho hay cuộc điều tra được triển khai sau khi Boeing hồi tháng 4 chủ động trình báo với cơ quan Mỹ về khả năng hãng đã không hoàn thành đầy đủ các khâu kiểm tra cần thiết đối với một số máy bay 787 Dreamliner, theo AFP.

Một máy bay Boeing 787 Dreamliner trong xưởng sản xuất ở TP.Bắc Charleston (bang Nam Carolina)

Một máy bay Boeing 787 Dreamliner trong xưởng sản xuất ở TP.Bắc Charleston (bang Nam Carolina)

AFP

Nghi vấn ngụy tạo hồ sơ

Trong vụ điều tra mới, vấn đề phát sinh ở công đoạn ráp cánh với thân của những máy bay này. Có người tố giác một số nhân viên đã không thực hiện bước kiểm tra bắt buộc đối với quy trình này nhưng lại ghi vào hồ sơ là đã hoàn thành.

Vì thế, FAA cũng muốn làm rõ liệu các nhân viên Boeing có hành vi ngụy tạo hồ sơ trong quá trình sản xuất hay không. Về phần mình, Boeing cho biết lập tức kiểm tra lại toàn bộ những chiếc Dreamliner vẫn chưa giao cho khách hàng. Đồng thời, hãng đưa ra phương án hành động đối với các máy bay đã được đưa vào sử dụng.

Thêm một người từng vạch lỗi máy bay Boeing bất ngờ tử vong

Còn theo tờ The Guardian, ông Scott Stocker, người chịu trách nhiệm chương trình 787 của Boeing, gửi thông báo nội bộ cho biết vụ việc được phanh phui nhờ tin báo mật của một nhân viên ở nhà máy sản xuất Dreamliner tại TP.Bắc Charleston (bang Nam Carolina). Tuy nhiên, ông cho rằng vụ việc chỉ xuất phát từ hành vi tắc trách của một số nhân viên và không phải là vấn đề đe dọa tức thời cho an toàn của số máy bay bị ảnh hưởng.

Vụ việc diễn ra vào thời điểm Boeing vẫn đang trong quá trình bị điều tra sự cố một máy bay 737 MAX 9 bị bung tấm bịt cửa ở độ cao gần 5.000 m so với mặt đất hôm 5.1.

Lỗ 32 tỉ USD trong 5 năm

Trong lúc đối mặt trước những cuộc điều tra từ cơ quan quản lý, Boeing công bố khoản lỗ tổng cộng 32 tỉ USD, bắt đầu từ năm 2019 và kéo dài đến nay, theo Đài CNN. Tuy nhiên, hãng vẫn chưa đối mặt nguy cơ phá sản vì Boeing là một trong hai nhà sản xuất máy bay chở khách cỡ lớn của thế giới.

Đài CNN ước tính Boeing đang nắm trong tay đơn hàng tồn đọng hơn 5.600 máy bay, trị giá 529 tỉ USD. Vấn đề ở đây là hãng mất nhiều thời gian cho các cuộc điều tra về vấn đề chất lượng, dẫn đến tốc độ sản xuất đơn hàng giảm đáng kể. Hậu quả là hiện Boeing mỗi năm không sản xuất lượng máy bay cần thiết để có lợi nhuận. Tuy nhiên, Boeing vẫn tiếp tục nhận đơn đặt hàng mới và việc trì hoãn giao máy bay chỉ là vấn đề thời gian chứ không thực sự đe dọa mạch máu kinh tế của hãng.

Hai người tố giác đã qua đời

AFP ngày 6.5 dẫn lời FAA xác nhận đang xem xét một đơn tố giác khác cũng liên quan đến khâu sản xuất dòng máy bay 787 Dreamliner. Boeing bị tố tìm cách rút gọn quy trình lắp ráp thân máy bay 787 Dreamliner, cũng như để xảy ra lỗi có thể dẫn đến giảm thời gian sử dụng máy bay, hoặc tệ nhất là máy bay bị gãy thân trên không.

Trong một diễn biến khác, 2 người từng vạch lỗi trong quá trình sản xuất máy bay Boeing đã tử vong. Cụ thể, báo The Seattle Times ngày 1.5 đưa tin ông Josh Dean, cựu kiểm toán viên chất lượng làm việc cho nhà thầu Spirit Aerosystems của Boeing, chết vì bạo bệnh ở tuổi 45. Ông là một trong những người đầu tiên lên tiếng về lỗi kỹ thuật ở dòng 737 MAX. Chưa đầy 2 tháng trước đó, ông Dean Barnett, nhân viên kỳ cựu làm việc cho Boeing suốt 32 năm, qua đời do vết thương bằng súng trong lúc tham gia làm chứng trong vụ kiện Boeing.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.