Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Các thế hệ nhà văn đã tạo nên lịch sử của cái đẹp cho nền văn học nước nhà

30/09/2023 14:59 GMT+7

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, nền văn học Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Một dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn. Thế hệ nhà văn này tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học.

Ngày 30.9, tại Hải Phòng đã diễn ra Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất.

Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng; cùng 300 đại biểu nhà văn của nhiều thế hệ nhà văn.

300 nhà văn dự Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất - Ảnh 1.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều phát biểu tại hội nghị

BTC

Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà thơ, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cho biết nhiều nhà văn tham dự hội nghị đã bước vào cuộc chiến tranh khi còn rất trẻ. Họ cầm súng và sẵn sàng hy sinh tuổi thanh xuân cho sự tồn vong của dân tộc; cầm bút để bảo vệ lương tri và phẩm giá con người Việt Nam trước mọi đe dọa, thách thức.

"Kể từ thế hệ nhà văn đầu tiên đi theo tiếng gọi của non sông vì độc lập, tự do của Tổ quốc cho đến bây giờ, có biết bao nhà văn của từng thế hệ đã ra đi. Tuy nhiên, hình ảnh họ vẫn sống mãi trong giấc mơ làm người cao cả và trong khát vọng sống bất diệt của một dân tộc. Những gì họ sống, những gì họ viết đã hóa thành trầm tích trong dòng chảy vô tận của văn hóa dân tộc", ông Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Thiều, nền văn học Việt Nam giống như dòng chảy của một con sông lớn. Một dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ và luôn hướng về biển lớn... Cũng như thế hệ nhà văn này tiếp thế hệ nhà văn khác tạo nên lịch sử của cái đẹp và tư tưởng cho một nền văn học. Mỗi thế hệ nhà văn luôn tiếp nhận giá trị và sự truyền cảm của thế hệ nhà văn đi trước.

'Nền văn học Việt Nam như dòng chảy không bao giờ ngưng nghỉ' - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa tặng hoa và bằng tôn vinh cho các nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Hữu Thỉnh

TTXVN

Hội nghị đã lắng nghe những tham luận quan trọng của các nhà văn lão thành tiêu biểu; bản tổng quát những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành cho sự nghiệp phát triển văn học Việt Nam và góp phần quan trọng vào công cuộc chấn hưng văn hóa của Đảng.

Tại hội nghị cũng diễn ra hoạt động tặng quà và bằng tôn vinh 3 nhà văn tiêu biểu vì sự cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và sự phát triển của văn học Việt Nam là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Ma Văn Kháng.

Trong tham luận Một thế hệ, một cuộc chiến tranh và một nền văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một hội nghị dành riêng cho các nhà văn lão thành. Đó là sự quan tâm của ban chấp hành với các hội viên đã bước sang lứa tuổi "xưa nay hiếm". Vì thế, hội nghị này cũng có thể gọi là hội nghị các nhà văn thuộc thế hệ chống Mỹ.

Trong những năm tháng chiến đấu đầy cam go, thử thách đó, các nhà văn ở khắp các chiến trường lòng đầy lạc quan và tin tưởng, gan góc vượt qua bom đạn, bệnh tật, thiếu thốn, vừa bám sát chiến trường, vừa tiếp tục sáng tác.

"Sức sống của một nền văn học yêu nước và cách mạng từng ngày được nhân lên trong các chiến hào, trong từng khu rừng, đến cả những thành phố và khu dồn dân trong vùng tạm bị địch kiểm soát. Trước những thăng trầm của chiến tranh, văn học đã giúp cho người ta vượt qua những phút xao lòng sau những mất mát, đau thương", nhà thơ Hữu Thỉnh nói.

Trình bày tham luận Lời tri ân các thế hệ văn chương tiền bối tại hội nghị, TS - nhà văn Lê Vũ Trường Giang, tác giả được trao giải Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022, cho rằng văn chương góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh thần ngay trên từng con chữ, chất chứa nhiều giá trị nhân văn hơn cả. 

"Chúng tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có những cơ hội và thách thức riêng, phụ thuộc vào sự vận động của đời sống cá nhân trong dòng chảy văn chương và sự tác động của thời cuộc. Tuổi trẻ của những thế hệ tài hoa trong lịch sử văn học nước nhà, được vinh danh trong văn học lịch sử đã chứng minh sự nỗ lực, tìm tòi, định vị của họ", nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.