Cân nhắc 'nới' quyền tăng giá điện cho EVN

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/03/2024 06:30 GMT+7

Tại dự thảo về cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân mới đây, Tập đoàn Điện lực VN được "nới" quyền tăng giá điện lên tới 5%, chu kỳ 3 tháng/lần. Nhiều ý kiến cho rằng điện đang là ngành độc quyền, việc nới quyền thế này liệu có ảnh hưởng đến điều hành vĩ mô hay không.

1 NĂM CÓ THỂ ĐIỀU CHỈNH 4 LẦN

Dự thảo mới về quyết định thay thế Quyết định 24/2027 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân do Bộ Công thương soạn thảo trình mới đây có nhiều điểm mới. Trong đó, dự thảo đưa ra thẩm quyền điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) được nới rộng hơn lên tới 5%, với chu kỳ 3 tháng/lần (quy định hiện hành là 6 tháng/lần). Tức là mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi và giá được cập nhật hằng quý theo chi phí phát điện.

Đặc biệt, EVN cũng sẽ được thực hiện việc tăng giá điện ở mức trên 5% và 10% sau khi có sự đồng ý của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định 24, EVN chỉ có quyền tăng giá ở mức từ 3 - 5%. Trường hợp giá điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với mức hiện nay, có ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, Bộ Công thương sẽ chủ trì, kiểm tra rà soát lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan…

Cân nhắc 'nới' quyền tăng giá điện cho EVN- Ảnh 1.

Theo quy định mới tại dự thảo, giá điện bình quân có thể được điều chỉnh hằng quý

N.Nga

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng dự thảo đã mở rộng thẩm quyền tương đối lớn cho EVN khi vừa có quyền tăng giá ở mức cao hơn, vừa giảm thời gian điều chỉnh giá từ 6 tháng xuống 3 tháng. Việc này cần được cân nhắc thật kỹ lưỡng bởi một ngành kinh doanh độc quyền như điện, tránh trường hợp liên tục điều chỉnh.

"Giá điện cần có cơ quan độc lập giám sát, hội đủ các yếu tố quy định mới được điều chỉnh. Chứ nếu cứ để doanh nghiệp (DN) báo cáo chi phí đầu vào sản xuất tăng 3%, 5% là tăng thì không ổn. Ngoài ra, EVN là đơn vị đang sản xuất, kinh doanh điện; nên nếu giao quyền tự quyết giá điện cho DN sẽ nảy sinh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Thế nên, trong bối cảnh này, Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần nhưng theo cơ chế thị trường", PGS-TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Theo chuyên gia về giá Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá VN, đã đến lúc sử dụng "nguyên tắc thị trường" để tính toán giá điện. Quy định 3 tháng điều chỉnh giá 1 lần không mới, đã đề xuất từ năm 2011. Nhưng thời gian không phải là yếu tố quyết định giá tăng hay giảm mà là các yếu tố đầu vào.

"Trong thực tế, quy định 6 tháng xem xét điều chỉnh giá một lần đã không thực hiện được, nay bảo 3 tháng, tôi e là khó thực hiện. Có thể hiểu là động thái rà soát lại các chi phí sản xuất điện trong 3 tháng 1 lần", ông Thỏa lo ngại và nhận định: Không phải tự nhiên mà dự thảo "kéo" bộ, ngành khác vào cùng kiểm tra, rà soát giá do EVN đề xuất. Vì rà soát hằng quý, có gì biến động phải tính tiếp trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Chứ cứ mỗi năm tăng giá điện 4 lần, chắc chắn nền kinh tế khó chống chịu nổi. "Ngoài ra, phần chênh lệch tỷ giá cần được đánh giá lại, tính toán đưa vào hằng năm nhưng tránh gây sốc cho giá cả hàng hóa, ảnh hưởng đến lạm phát", ông Thỏa khuyến nghị.

HƯỚNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN CẠNH TRANH

Từ đó, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa nhấn mạnh cần có thị trường bán lẻ cạnh tranh thì giá điện mới có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường được. Giá điện hiện nay không thiếu cơ chế quản lý, chỉ làm đúng các quy định, ngành điện không đến nỗi phải chật vật lỗ chồng lỗ bế tắc vậy.

"Tại sao tôi nhấn mạnh yếu tố rà soát, tính đúng, tính đủ sớm? Vì trong lịch sử, khi thủy điện cạn kiệt, chúng ta phải dùng dầu để phát điện. Trong khi nếu tính đúng thì khi sử dụng dầu sản xuất điện, giá thành điện có thể vượt trên mốc 5.000 đồng/kWh; điện than khoảng trên 2.500 đồng/kWh… Chúng ta không thể duy trì một mức giá điện bao cấp được. Thực tế cho thấy, giá điện chưa hợp lý đã khiến ngành điện không có nguồn để đầu tư, phát triển, không thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào ngành này", ông Thỏa nói.

Trong khi đó, quan điểm của Bộ Công thương khi trình dự thảo này với mong muốn giá điện được điều chỉnh, tránh giật cục, giảm thiểu tác động đến kinh tế vĩ mô và khách hàng sử dụng điện bằng cách rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá. Tuy vậy, việc đề xuất một năm 4 lần điều chỉnh giá, theo các chuyên gia, mới dễ "giật cục", gây ảnh hưởng cho DN sản xuất kinh doanh.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, phân tích: Kế hoạch sản xuất kinh doanh, giá bán của DN được xây dựng từ cuối năm trước, chỉ có thể đàm phán lại trong năm 1 - 2 lần là tối đa. Nếu giá điện cứ thay đổi liên tục, rất khó cho DN tính toán sản xuất.

"Lâu nay chúng ta hay đề cập đến một thị trường điện cạnh tranh, thay vì Nhà nước điều tiết giá bán lẻ như hiện nay. Trong đó, đơn vị bán lẻ và khách hàng có thể thỏa thuận theo hợp đồng. Đơn cử với điện mặt trời mái nhà, nhiều kiến nghị cho mua bán điện với nhau giữa nhà sản xuất và đơn vị có nhu cầu nhưng vẫn chưa triển khai; trong khi việc đó là giải pháp tốt nhất để giảm tải cho đường truyền, giảm áp lực thiếu điện. Thế nên vấn đề không phải ở các mức điều chỉnh tăng bao nhiêu phần trăm mà quan trọng là xây dựng thị trường điện cạnh tranh, không thể chậm trễ hơn", ông Thịnh nói và nhấn mạnh: "Khi có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, EVN sẽ không còn độc quyền ở khâu bán lẻ điện, người dân sẽ được mua điện của nhiều nhà cung cấp với giá đàm phán. Nhà bán lẻ điện cũng sẽ phải tự cân đối, cạnh tranh về giá, chất lượng phục vụ có lợi nhất để thu hút khách hàng".

Đề xuất nhập khẩu 250 MW điện gió từ Lào

Trước nguy cơ thiếu điện ở miền Bắc đến năm 2025 và các năm tiếp theo, Bộ Công thương cũng vừa trình Thủ tướng Chính phủ đánh giá nhập khẩu điện từ dự án điện gió Trường Sơn (Lào) với công suất 250 MW.

Theo EVN, tổng công suất nguồn điện tại Lào được duyệt chủ trương nhập khẩu đến năm 2025 khoảng 1.977 MW, thấp hơn quy mô 3.000 MW theo hiệp định đã ký. Việc nhập khẩu và đấu nối đường dây 220 kV cũng được Bộ Công thương nhìn nhận là phù hợp với Quy hoạch điện 8.

Theo Quy hoạch, tổng công suất nhập khẩu điện từ Lào có thể lên tới 5.000 - 8.000 MW vào năm 2030, tăng lên 11.000 MW vào năm 2050.

Ngoài dự án Trường Sơn, mới đây EVN cho biết đã nhận được đề xuất từ 7 dự án điện gió của Lào, tổng công suất gần 4.150 MW, muốn bán điện cho VN. Trong số này, công suất nhà đầu tư Lào đề nghị bán trước năm 2025 là hơn 682 MW, số còn lại là để sau thời gian này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.