Chấn chỉnh tình trạng xem nhẹ nêu gương

Huỳnh Sang
Huỳnh Sang
26/09/2023 04:11 GMT+7

Con số hơn 100 cán bộ công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ công an, bộ đội vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, cho thấy nhận thức về việc giữ gìn hình ảnh, tư cách trong một bộ phận "người của công quyền" rất cần phải chấn chỉnh!

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm nay, tai nạn giao thông cả nước giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người bị thương và số người chết; ngược lại số lượng cán bộ, công - viên chức... bị phát hiện vi phạm trật tự an toàn giao thông có vẻ ngày càng nhiều.

Đặc biệt, tuần qua, bất ngờ trên các phương tiện truyền thông, báo đài liên tục xuất hiện các trường hợp "người nhà nước" vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Trong đó có cả lãnh đạo cấp huyện, cán bộ điều tra cấp quân khu, một vài cán bộ công an, cán bộ phường...

Rõ ràng, chuyện này không bình thường! Nó phản ánh thực trạng coi nhẹ pháp luật về giao thông của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Có câu "cán bộ đi trước, làng nước theo sau", phản ánh sự gửi gắm niềm tin và đòi hỏi của người dân về sự tiên phong, gương mẫu, nói đi đôi với làm của người thực thi công vụ, đại diện cho cơ quan công quyền. Pháp luật điều chỉnh tất cả mọi đối tượng, không phân biệt "người nhà nước" hay dân thường. Vì vậy, trong bất kỳ xã hội hay thể chế nào, những người đại diện cho quyền lực nhà nước phải biết giữ mình, thể hiện hành vi chuẩn mực mới thuyết phục được công chúng!

Cách đây không lâu, trong Hội nghị triển khai Chỉ thị 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong tình hình mới, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu trước nhân dân đối với vấn đề trật tự an toàn giao thông, nghiêm cấm hành vi can thiệp quá trình xử lý vi phạm giao thông, nhất là đối với cán bộ đảng viên.

Thực tế trên cho thấy, trong khi nhà nước, các cơ quan hữu quan, truyền thông, báo đài luôn nỗ lực thực hiện xuyên suốt việc tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân tuân thủ các quy định về an toàn giao thông, thì vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức... hành động ngược lại tinh thần ấy, tạo ra sự phản cảm, thể hiện sự khiếm khuyết về tư cách đạo đức. Người như vậy rất khó ăn khó nói khi thực thi công vụ trước nhân dân.

Ở nước ta, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của hàng ngàn người mỗi năm. Đặc biệt, uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện là một trong những nguyên nhân cốt lõi gây ra những tai nạn nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tang thương, túng quẫn, kéo theo nhiều hệ lụy, phát sinh gánh nặng cho xã hội.

Trong bối cảnh đó, bên cạnh việc bị chế tài, xử phạt bởi luật Giao thông đường bộ thì nhận thức và thái độ xem nhẹ tính nêu gương, dẫn đến hành vi cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông của cán bộ, công chức, viên chức... cần phải bị xử lý nghiêm ngay tại cơ quan, đơn vị đang công tác.

Việc này cần phải thực hiện kiên quyết, không cả nể thì mới có thể cải thiện được thực trạng vừa nêu!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.