Đại học Harvard bị điều tra chính sách tuyển sinh ưu tiên 'con cháu người quen'

26/07/2023 19:03 GMT+7

Bộ Giáo dục Mỹ đang điều tra xem ĐH Harvard có phân biệt chủng tộc hay không khi ưu tiên các ứng viên có quan hệ với nhà tài trợ và cựu sinh viên của trường trong quá trình tuyển sinh.

Văn phòng Dân quyền của Bộ Giáo dục Mỹ đã mở cuộc điều tra sau khi ba nhóm dân quyền nộp đơn khiếu nại vào đầu tháng này. Các nhóm này cho rằng thông lệ tuyển sinh nói trên của ĐH Harvard mang lại lợi ích quá lớn cho sinh viên người da trắng, vi phạm luật dân quyền liên bang, theo Reuters.

"Tuyển sinh theo diện quen biết" (legacy admissions) là chính sách mà Harvard cũng như nhiều trường cao đẳng và đại học khác ở Mỹ đã áp dụng từ lâu. Song chính sách này đã nhận được sự chú ý mới kể từ tháng 6, khi Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố các chính sách xem xét khía cạnh chủng tộc mà ĐH Harvard và ĐH Bắc Carolina áp dụng - để đảm bảo có nhiều sinh viên không phải da trắng được nhận vào - là vi hiến.

Chính sách tuyển sinh ‘kế thừa’ của Harvard bị kiện vì ưu tiên sinh viên da trắng

Theo nội dung khiếu nại, trong số các ứng viên có quan hệ với cựu sinh viên hoặc nhà tài trợ của trường Harvard College, cơ sở đào tạo cử nhân của ĐH Harvard, gần 70% là người da trắng và có khả năng được nhận cao hơn từ 6 đến 7 lần so với các ứng viên thông thường.

Đại học Harvard bị điều tra vì chính sách tuyển sinh ưu tiên 'con cháu người quen' - Ảnh 1.

Đại học Harvard tại bang Massachusetts, Mỹ

REUTERS

Những số liệu thống kê đó được tính toán từ dữ liệu tuyển sinh của Harvard được công khai sau vụ kiện mà Tòa án Tối cao Mỹ đã công bố phán quyết vào tháng 6. Bộ Giáo dục Mỹ dự kiến sẽ thu thập thêm dữ liệu hiện tại trong quá trình điều tra.

Người phát ngôn của ĐH Harvard cho biết họ đang xem xét các khía cạnh trong chính sách tuyển sinh của trường để đảm bảo sự đa dạng của cộng đồng sinh viên Harvard sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.

ĐH Wesleyan và ĐH Minnesota - Twin Cities tuyên bố họ sẽ ngừng áp dụng chính sách "tuyển sinh theo diện quen biết" vào tháng 7, sau khi một số cơ sở giáo dục đại học khác của Mỹ đã từ bỏ chính sách này trong những năm gần đây.

"Nói một cách đơn giản, Harvard đã đi ngược lại lịch sử", Oren Sellstrom, giám đốc tranh tụng của tổ chức Luật sư vì Dân quyền (một trong 3 nhóm khiếu nại nói trên), phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.