Đề xuất đầu tư nâng cấp bệnh viện đặc biệt, hiện đại ngang Singapore, Hàn Quốc

Liên Châu
Liên Châu
02/08/2023 15:32 GMT+7

Bộ Y tế đề xuất đầu tư nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở TP.HCM, Hà Nội, Huế đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc...

Theo Bộ Y tế, cả nước có 34 bệnh viện tuyến T.Ư trực thuộc Bộ Y tế, trong đó có 11 bệnh viện đa khoa và 23 bệnh viện chuyên khoa với số giường bệnh chiếm 9,4% tổng số giường bệnh trên cả nước; 7 bệnh viện thuộc các trường đại học y, dược trực thuộc Bộ Y tế.

Tuyến tỉnh có 471 bệnh viện tỉnh (bao gồm cả đa khoa và chuyên khoa) với số giường bệnh chiếm gần 83,6% tổng số giường bệnh công lập. Có 231 bệnh viện tư nhân với số giường bệnh chiếm 4% tổng số giường bệnh, tập trung chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM cũng như một số tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Dương, Đà Nẵng.

Bệnh viện đặc biệt sẽ được đầu tư, thu hút người bệnh nước ngoài - Ảnh 1.

Bệnh viện đầu ngành thuộc Bộ Y tế làm chủ nhiều kỹ thuật cao

DUY TÍNH

Phân bố về vị trí không gian của các bệnh viện tuyến T.Ư không đồng đều giữa các vùng kinh tế - xã hội. Bệnh viện tuyến T.Ư đảm nhận vai trò tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật nhưng khả năng tiếp cận đến bệnh viện tuyến T.Ư hạn chế ở một số vùng, khả năng tiếp cận về mặt khoảng cách tới các bệnh viện tuyến T.Ư thấp.

Một số tỉnh có khoảng cách từ bệnh viện đa khoa tỉnh tới bệnh viện đa khoa tuyến T.Ư gần nhất phải mất 4 - 5 giờ đi bằng ô tô, có những tỉnh phải mất 10 - 11 giờ.

Theo dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Y tế xây dựng, đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan, Bộ Y tế đề xuất nâng cấp, đầu tư một số bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh đảm nhận chức năng vùng, gồm: 20 bệnh viện đa khoa; bổ sung 7 bệnh viện đa khoa mới ở vùng có địa bàn rộng, khó khăn trong tiếp cận bệnh viện tuyến T.Ư (trung du và miền núi phía bắc) và vùng có mật độ dân số cao (đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ); 20 bệnh viện chuyên khoa. Cùng đó, đầu tư xây dựng mới 1 bệnh viện tuyến cuối vùng Tây nguyên.

Bộ Y tế cũng đề xuất đầu tư các bệnh viện tuyến T.Ư để đảm nhận vai trò bệnh viện tuyến cuối cấp quốc gia trên cơ sở rà soát lại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế hiện nay.

Đồng thời, đầu tư nâng cấp một số bệnh viện tuyến cuối hạng đặc biệt (đa khoa, chuyên khoa) ở TP.HCM, Hà Nội, Huế đảm nhận vai trò của bệnh viện hiện đại ngang tầm một số nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt như Singapore, Hàn Quốc...

Quy hoạch hướng đến mục tiêu đảm bảo mỗi vùng, tiểu vùng có ít nhất 1 bệnh viện cấp vùng đóng vai trò là bệnh viện tuyến cuối của vùng thực hiện được các kỹ thuật chuyên sâu. Ưu tiên đầu tư cho bệnh viện đa khoa tỉnh là mô hình bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh thành bệnh viện cấp vùng.

Theo đánh giá của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các bác sĩ Việt Nam đã làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị cao, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán… 

Tại một số bệnh viện lớn của nước ta thời gian qua đã thu hút nhiều người nước ngoài đến thăm khám, điều trị... Cùng với làm chủ kỹ thuật, y tế trong nước có lợi thế là chi phí thấp hơn các nước trong khi chất lượng lại không thua kém. Các năm qua, sự phát triển về kỹ thuật y tế này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị.

Tại các bệnh viện đầu ngành như: K, Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức... đã tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng, bệnh khó là người nước ngoài được điều trị, cấp cứu thành công. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.