Doanh nghiệp lo cạn kiệt đơn hàng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
07/04/2023 06:24 GMT+7

Đơn hàng sụt giảm sâu trong quý 1 và cạn kiệt khi bước sang quý 2, nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành dệt may, gỗ, cơ khí… đang lo lắng vì đơn hàng cho tháng 5 trở về sau "chưa biết thế nào".

"Khát" đơn hàng

Đến khi đưa thùng hàng áo sơ mi nam cuối cùng chất lên xe chở ra cảng để xuất đi Nhật Bản, bà Tôn Nữ Cát Ngọc, chủ một doanh nghiệp may gia công xuất khẩu tại H.Hóc Môn (TP.HCM), mới thở phào nhẹ nhõm. "Trước đây xuất khẩu một tháng 3 - 4 container không sao, nay giảm chỉ còn 2 container nhưng tôi lại bồn chồn lo lắng vì lúc này các doanh nghiệp (DN) phải chắt chiu từng đơn hàng, sơ sẩy một chút là mất khách hàng như chơi. Nhu cầu thị trường giảm sút mạnh, sau đại dịch nhiều khách đơn phương ngưng mua hàng hoặc tìm đối tác khác. Trước đây trao đổi với khách hàng và nhận đơn hàng qua email là xong, tuy nhiên cuối năm rồi chúng tôi phải cử giám đốc kinh doanh sang tận văn phòng công ty đối tác để trao đổi sâu hơn một số điều khoản mới, kể cả giá cả và duy trì đơn hàng đến nay. Thế nhưng so với trước, đơn hàng đã giảm hơn 30%", bà Ngọc thở dài.

Doanh nghiệp lo cạn kiệt đơn hàng - Ảnh 1.

Nhiều ngành sản xuất xuất khẩu nỗ lực cầm cự khi đơn hàng chỉ có đến hết tháng 4, tháng 5

PHẠM HÙNG

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, thừa nhận đa số DN trong ngành đều cho biết các nhà máy vẫn cắt giảm công nhân do đơn hàng xuất đi Mỹ, châu Âu giảm 20 - 30% tùy thị trường. Ngay giá gia công cũng phải giảm 20% để duy trì việc làm cho công nhân. "Đơn hàng của các nhà máy hiện chỉ duy trì đầy đủ nhất là đến hết tháng 4, một số có đơn hàng làm hết tháng 5 và 6. Còn lại, từ quý 2 đến cuối năm chưa thấy gì cả", ông Hồng nói.

Trong báo cáo cuối quý 1/2023 gửi Thường trực UBND TP.HCM, Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA) cũng cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm ngoái; ngành mỹ nghệ và chế biến gỗ giảm 15%, trong đó các sản phẩm gỗ dăm, viên nén, đồ gỗ giảm đến 45%. Đáng lưu ý, ngành cơ khí điện ghi nhận đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh. Thậm chí, ngay xuất khẩu nội địa tại chỗ của ngành này cũng giảm 30 - 40%.

Đơn hàng của các nhà máy hiện chỉ duy trì đầy đủ nhất là đến hết tháng 4, một số có đơn hàng làm hết tháng 5 và 6. Còn lại, từ quý 2 đến cuối năm chưa thấy gì cả.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn (Vinafor Saigon), cũng cung cấp thông tin không mấy sáng sủa: xuất khẩu của ngành gỗ quý 1/2023 khá ảm đạm, đơn hàng giảm 50 - 60%. Nhiều DN đến nay cho công nhân làm cách nhật, hoặc 1 tuần nghỉ 2 ngày. "Trước nay xuất khẩu sang thị trường châu Âu có giảm thì châu Mỹ tăng, bù qua sớt lại. Năm nay, khó khăn chồng chất vì đa số thị trường truyền thống sụt giảm mạnh. Người tiêu dùng dành chi tiêu cho hàng thiếu yếu phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày hơn là chi tiêu mua sắm đồ đạc trong nhà", ông Ngời chia sẻ.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cũng cho hay chưa bao giờ sản xuất xuất khẩu của ngành cơ khí lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Việc bán hàng cho DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại VN cũng gặp không ít cạnh tranh. DN nội với điểm yếu về vốn, không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi để mở rộng đầu tư, nhập máy móc sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường, của đối tác, đành phải ngậm ngùi để đơn hàng rơi vào tay các DN FDI vừa và nhỏ đã có nhà xưởng tại VN. Ông Tống nói: "DN cơ khí gặp khó về vốn nhưng việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư không đơn giản, đặc biệt là gói hỗ trợ lãi suất 2%. Hiện nay gói hỗ trợ này cũng chậm giải ngân. Có DN trong ngành phải bán nhà để trả nợ vì sợ bị đưa vào nợ xấu".

Doanh nghiệp lo cạn kiệt đơn hàng - Ảnh 3.

Doanh nghiệp chật vật tìm kiếm đơn hàng

NGỌC THẮNG

Áp lực cạnh tranh về giá

Đơn hàng thiếu hụt mà DN xuất khẩu Việt lại đang phải cạnh tranh về giá khá khốc liệt. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN, nhận định 2023 là năm thách thức của ngành dệt may khi những dự báo cho thấy nhu cầu dệt may thế giới sẽ giảm 6 - 10%, từ 757 tỉ USD còn 712 tỉ USD, và thậm chí giảm còn 687 tỉ USD. Dệt may, da giày là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của VN. Năm 2022, riêng 2 nhóm hàng xuất khẩu này đã mang về 71 tỉ USD, trong đó dệt may chiếm 44 tỉ USD, da giày - túi xách đạt 27 tỉ USD.

Rõ ràng nhiều ngành sản xuất xuất khẩu đang gặp khó khi đa số cho biết đơn hàng để thực hiện chỉ "lay lắt" đến tháng 5. Trong khi mọi năm, đến thời điểm này các nhà máy đã có đủ đơn hàng để làm đến hết năm. Trong báo cáo, HUBA cho biết nhiều DN đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu hết DN đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giản các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu. Tuy nhiên, khó khăn phổ biến nhất của DN dệt may là thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, không được giải ngân, chuyển nợ xấu.

Đáng lưu ý, HUBA cảnh báo xuất hiện tình trạng DN không đầu tư và có xu hướng bán lại. Ông Cao Hữu Hiếu nói: "Tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm tối đa chi phí, tinh gọn bộ máy bằng các công nghệ hiện đại là những việc nhiều DN trong ngành đang nỗ lực làm. Bên cạnh đó, việc tham gia các hội chợ triển lãm, kết nối giao thương tìm thị trường mới cũng được DN chú trọng nhiều hơn".

Ông Tô Ngọc Ngời bày tỏ hy vọng lượng đơn hàng đổ về tăng từ quý 3 và đủ để làm cho đến cuối năm. Muốn vậy, theo ông Ngời, thứ nhất là công ty phải đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới. Khu vực Nam Mỹ và Trung Đông là 2 thị trường ít bị ảnh hưởng vì lạm phát và ít có nguy cơ suy thoái, đây cũng là thị trường "bị bỏ bê" lâu nay. Thế nên, DN đang tăng tốc tìm kiếm đối tác mới tại 2 khu vực này và "mọi thứ đang diễn ra khá thuận lợi". 

Thứ hai là DN tập trung đẩy mạnh công nghệ để tăng năng suất, giảm giá thành. Các quốc gia khác từng bị giảm thị phần do đối tác chuyển đơn hàng sang VN trong những năm trước đại dịch, nay họ đã củng cố, tăng tự động hóa trong sản xuất nên đang là đối thủ cạnh tranh lớn của VN. Muốn xâm nhập thị trường mới thì cạnh tranh về giá rất quan trọng, một số đối tác đề nghị giảm giá mới tiếp tục làm việc. DN đồng ý nhưng thực sự là khó khăn vì chi phí sản xuất tăng, vốn vay có lãi suất cao hơn rất nhiều so với DN của các nước. Thế nên cạnh tranh về giá đối với DN Việt là thách thức không nhỏ.

"Muốn tiếp tục giữ khách hàng cũ, mở rộng theo hướng cạnh tranh khốc liệt hơn, DN đang rất cần sự ủng hộ từ Chính phủ, cụ thể là từ các ngân hàng. Chi phí sản xuất tại VN luôn cao hơn nhiều nước lân cận như Malaysia, Trung Quốc, Indonesia… Tìm hiểu mới thấy đa số DN các nước này tiếp cận vốn vay lãi suất chỉ 4 - 5%. DN VN thì vay lãi suất cao gấp đôi, gấp 3 như thế, làm sao cạnh tranh nổi. Đây là vấn đề cần được giải quyết cấp bách", ông Ngời đề xuất. 

Hiện nay, theo chính sách kêu gọi đầu tư, đa số DN trong ngành sản xuất xuất khẩu gỗ chúng tôi đã làm điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Công suất hiện sử dụng vào thời điểm cao nhất vẫn còn dư. Chúng tôi tha thiết mong Chính phủ, Bộ Công thương có chính sách cho phát lượng điện này lên lưới để bán lại cho DN cần sử dụng trong khu vực từ miền Trung trở vào miền Nam. Làm được việc này là góp phần rất lớn hỗ trợ cho DN trong khó khăn.

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.