Đi lại dịp tết bắt đầu 'nóng'

Trong khi vé máy bay dịp này được cho là còn nhiều thì lượng hành khách di chuyển bằng đường bộ tăng nhanh, nhiều nhà xe cũng tăng giá theo.

Ngày 20.1, theo ghi nhận của Thanh Niên, các tuyến đường dẫn ra vào Bến xe Miền Đông (BXMĐ) như QL13, Đinh Bộ Lĩnh, Nguyễn Xí… thuộc Q.Bình Thạnh (TP.HCM) trở nên chật hẹp do lượng xe tăng so với ngày thường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó tổng giám đốc BXMĐ, do ngày 20.1 nhằm ngày 23 tháng chạp là ngày “kỵ”, nên lượng khách về quê ít hơn ngày hôm trước. Lượng khách đi lại khoảng 28.000 khách và 1.200 xe đò, thấp hơn ngày 19.1 (khoảng 1.300 xe và khoảng 31.000 khách).
Xử lý chủ xe khách tùy tiện tăng giá vé
Tại Ga Sài Gòn, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết những ngày cận tết mỗi ngày có 12.000 - 14.000 hành khách đi tàu. Lượng khách về quê đông dẫn đến tình trạng ùn ứ tại các khu vực quanh nhà ga. Ông Văn cho biết trường hợp khách bị trễ chuyến tàu không phải hiếm, phần lớn do chủ quan, không tính toán được thời gian di chuyển từ nhà ra ga. Ông Văn khuyến cáo, vào giờ cao điểm tết, khách kiểm tra thật kỹ giờ xuất phát của chuyến tàu mình đi và phải tính toán thời gian để đến sớm trước giờ tàu xuất phát khoảng 30 phút.
Đình Mười
Ông Huy nói ngày 19.1 BXMĐ có nhận được thông tin từ Tổng cục Đường bộ - Bộ GTVT về việc hành khách phản ánh một số nhà xe lấy giá cao hơn quy định. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì những nhà xe này không hoạt động trong bến xe mà chạy hợp đồng bên ngoài.
Còn theo một cán bộ Phòng Kế hoạch thuộc BXMĐ, bến xe có nhận được phản ánh của hành khách về việc nhà xe H.H chạy tuyến Bình Định - Sài Gòn lấy giá cao hơn gấp đôi ngày thường.
Cụ thể là giá vé ngày thường 250.000 đồng/khách/lượt, nhưng dịp này lấy giá 600.000 đồng/lượt/khách. Thế nhưng khi kiểm tra lại thì nhà xe này không hoạt động trong BXMĐ. Cán bộ này cho biết: “Đa số những xe lấy giá cao là xe bên ngoài, xe hợp đồng”.
Ngày 20.1, các nhà xe tại Bến xe Giáp Bát, Gia Lâm (Hà Nội) thông báo tăng giá vé xe Tết Nguyên đán Đinh Dậu. Theo thống kê, Hà Nội có tổng cộng 21 nhà xe đề nghị tăng giá (19/21 nhà xe thuộc Bến xe Giáp Bát), với mức tăng từ 6 - 60%. Doanh nghiệp tăng giá cao đối với các tuyến đường dài, như Giáp Bát - Đà Nẵng tăng từ 340.000 đồng/lượt lên 580.000 đồng/lượt; tuyến Giáp Bát - TP.HCM tăng từ 600.000 đồng/lượt lên 900.000 đồng/lượt.
Trước việc tăng giá khá "sốc" của nhiều nhà xe, chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo Giám đốc Sở GTVT phối hợp Sở Tài chính kiểm tra lại thông tin, xử lý các trường hợp tùy tiện tăng giá cước vận tải hành khách. Ông Chung cũng yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp vận tải thực hiện nghiêm quy định của nhà nước về việc niêm yết giá cước vận tải, tuyệt đối không được tùy tiện tăng giá cước.
Còn nhiều vé máy bay tết
Trong khi đó, Cục Hàng không vừa báo cáo Bộ GTVT vé máy bay tết trên các chặng bay nội địa của các hãng hàng không vẫn còn nhiều, không có hiện tượng tăng giá vé vượt trần.
Vietjet Air cung ứng số vé tết lớn nhất trong các hãng với 1,3 triệu vé. Với giai đoạn trước tết, từ 16 - 30 tháng chạp, Vietjet cung cấp 655.000 chỗ, hiện đã lấp được 91% các chuyến bay xuôi chiều (từ miền Nam ra miền Trung, miền Bắc) cao điểm, tương ứng 298.000 khách, tuy nhiên chiều thấp điểm ngược lại chỉ đạt 49%, tương ứng 160.000 chỗ. Hãng vẫn còn hơn 120.000 chỗ trống phục vụ khách trong dịp Tết Nguyên đán.
Với giai đoạn sau tết, các chuyến bay xuôi chiều (từ miền Bắc đi miền Trung, miền Nam) cao điểm đạt tỷ lệ lấp đầy 64%, các chuyến bay ngược lại chiều thấp điểm đạt 43%, vẫn còn tương ứng hơn 305.000 vé phục vụ hành khách.
Vietnam Airlines có số lượng chỗ trên toàn mạng bay là 1,2 triệu. Hiện vẫn còn nhiều chỗ, tại các đường bay từ TP.HCM đi Phú Quốc, Nha Trang, Đà Lạt, Chu Lai. Trên các đường bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng… các ngày 21 - 26.1 (tức 24 - 29 tháng chạp) và chiều quay lại từ các tỉnh, thành này về TP.HCM từ 31.1 - 5.2 (tức mùng 4 - 9 tết) do nhu cầu về quê ăn tết cao nên lượng khách đặt chỗ đã chiếm tới 85 - 95% ghế cung ứng.
Jetstar Pacific cũng còn nhiều chỗ, lượng vé cung ứng toàn mạng hơn 600.000 vé, giá vé linh hoạt từ 900.000 - 3 triệu đồng. Vasco cũng trong tình trạng tương tự, riêng các đường bay từ TP.HCM đi Cà Mau, Côn Đảo và Hà Nội đi Vinh, Đồng Hới đạt xấp xỉ 80% hệ số sử dụng ghế. Thực tế, chiều 20.1, lượng khách đến sân bay Tân Sơn Nhất vẫn bình thường, các tuyến đường vào sân bay khá thông thoáng. Bên trong sân bay cũng không xảy ra tình trạng ùn ứ, quá tải.
Theo khảo sát, vé các chặng cao điểm trước và sau tết của các hãng tuy còn nhưng ở mức khá cao, như chiều TP.HCM - Hà Nội của Vietnam Airlines vé từ 3,15 triệu đồng - 5 triệu đồng/chiều (chưa thuế, phí) hay của Vietjet cũng chỉ còn mức vé cao từ 2,6 - 3,8 triệu đồng/chiều (chưa thuế, phí).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.