Hội đâm trâu ngày Tết đang được chính quyền vận động bỏ dần

12/02/2017 10:02 GMT+7

Đâm trâu là phong tục của người Xê Đăng có từ ngàn đời nay. “Thế nhưng, trong đời sống văn hóa hiện nay, đâm trâu lại mang tính chất phản cảm, tương tự như chém lợn vậy. Tỉ lệ hộ dân đâm trâu năm nay đã giảm được khoảng 50%”, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My nói.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều nóc (đơn vị hành chính dưới thôn) tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam) tưng bừng tổ chức lễ hội đâm trâu để cầu bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu…
VIDEO: Tục đâm trâu đang được chính quyền vận động bỏ dần

Người Xê Đăng hát múa và đi xung quanh 2 cây nêu được dựng giữa bãi đất bằng của nóc

Từ huyện lị Nam Trà My, chúng tôi tiếp tục vượt 25 km mới đến được trung tâm xã Trà Linh. Nóc Tăk Lang nằm trên một ngọn đồi bằng phẳng. Nhìn từ xa, áng chừng chỉ cách khoảng 1 km thế nhưng phải mất đến gần 2 giờ đồng hồ chúng tôi mới leo và “bò” vào đến nóc vì đường quá dốc.

Khoảng 20 giờ tối, nghi thức chuẩn bị cho lễ đâm trâu mới bắt đầu thế nhưng từ chập choạng, căn nhà của 2 hộ dân đứng ra tổ chức lễ là Hồ Văn Núi và Hồ Văn Chiến đã chật kín người đến chơi.

Con trâu được chọn làm lễ là con đực to lớn, có giá khoảng 25-30 triệu đồng

Theo phong tục của người Xê Đăng, khách đến làng vào đúng dịp lễ đều trở thành khách quý và được mời cơm lam, ăn thịt heo, canh rau rừng…

Trong đêm trước ngày hành lễ đâm trâu, người Xê Đăng vận trang phục truyền thống và đi xung quanh nóc 5 vòng. Họ vừa đi vừa đánh cồng chiêng và nhảy múa. Khi nghi thức này hoàn thành, chủ lễ đâm trâu mời tất cả khách và người dân trong làng đến uống rượu cần.

Khách lẫn chủ say sưa uống rượu cần trong đêm lễ cho đến sáng hôm sau

Khách được mời sẽ uống hết một bát rượu cần rồi thêm một bát nước khác để vị khách kế tiếp uống. Khách nào khỏe hơn thì có thể uống nhiều bát để thể hiện tình cảm của mình với gia chủ.

Nghi lễ đâm trâu sẽ được diễn ra vào sáng hôm sau, sau một đêm cả khách lẫn chủ say khướt vì men rượu cần. Đúng 8 giờ sáng, ngay tại bãi đất bằng của nóc dựng sẵn 2 cây nêu cao chót vót, gia chủ sẽ tiến hành nghi lễ.

Phụ nữ Xê Đăng cũng uống rượu cần rất khá

Trước khi đâm con heo được treo ngược trên cây nêu, chủ nhà sẽ đánh cồng chiêng rồi cùng nhiều người khác đi quanh cây nêu này. Sau đó, họ dùng bình thủy tinh chứa gạo làm lễ rắc từng hạt vào mặt con trâu trong khi nó đã bị buộc bốn chân bằng dây mây rừng.

Giữa sân, chủ nhà cùng một số thanh niên sẽ dùng mác và dao nhọn đâm con trâu, trong khi đó nhiều người phụ nữ múc nước chuẩn bị sẵn đổ vào miệng con trâu.

Theo tập tục của người Xê Đăng, nhà nào tổ chức đâm trâu trên 3 lần là những gia đình thuộc hàng giàu có, quyền uy trong cộng đồng. Ông Hồ Văn Chiến cho biết, nếu hộ dân nào trong nhà có đến 5 bộ sừng trâu thì sẽ được “cân nhắc” làm già làng.

Thanh niên trong làng đánh cồng chiêng và vui chơi đến sáng

Sau lễ đâm trâu, gia chủ người Xê Đăng thường tổ chức lễ gọi linh hồn về với thể xác và cầu chúc những điều tốt đẹp đối với những người dự lễ.

Nghi thức là dùng một tấm vải nhỏ nhúng tiết trâu và quẹt ngang trán của khách với lời thì thầm gọi linh hồn và cầu may mắn.

Tất cả mọi việc xong xuôi, người Xê Đăng sẽ tiến hành mổ thịt con trâu và thết đãi cả làng cùng ăn, chơi, nhảy múa dưới tiếng trống, cồng chiêng… Cả làng Tăk Lang ngày hôm đó cùng vui và cùng say.

Nhiệt độ tại Trà Linh về đêm khoảng dưới 10 độ C nên mọi người quây quần bên bếp lửa

Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, đâm trâu là phong tục của người Xê Đăng có từ ngàn đời nay.

“Thế nhưng, trong đời sống văn hóa hiện nay, đâm trâu lại mang tính chất phản cảm, tương tự như chém lợn vậy. Do đó, huyện, xã, thôn đã tuyên truyền rất nhiều. Tỉ lệ hộ dân đâm trâu năm nay so với năm ngoái đã giảm được khoảng 50%”, ông Bửu nói.

Ông Bửu cho biết thêm, hiện tại xã Trà Linh, người dân đều khá giả nhờ trồng sâm Ngọc Linh. Những hộ đứng ra tổ chức đâm trâu đều là những người có tiền, chứ không nợ nần gì.

“So với tài sản họ có thì đâm trâu là không nhiều nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền để họ có ý thức tiết kiệm và vừa để xây dựng nếp sống văn hóa hơn. Một sớm một chiều không thể xóa bỏ phong tục cả ngàn đời nay được. Cho nên chúng tôi phải tiến tới xóa bỏ từ từ bằng cách đi sâu vào đời sống của họ”, ông  Bửu nói và cho biết, huyện vùng cao Tây Giang (Quảng Nam) đã xóa bỏ tục đâm trâu là quá tốt.

Vì có một số hình ảnh đâm trâu nhạy cảm nên Thanh Niên xin trích gửi đến bạn đọc một số hình ảnh của lễ hội đang được chính quyền vận động bà con để dần không thực hiện nữa.

Gia đình khá giả sẽ tổ chức uống rượu cần với hàng chục chum
Sáng hôm sau, người dân tiếp tục hát múa, đánh chiêng, trống để làm lễ đâm trâu
Để dựng cây nêu đẹp mắt này, chủ hộ phải nhờ nhiều thanh niên, trai tráng trong làng đến làm giúp trong suốt 1 tuần lễ
Chủ lễ chuẩn bị hành lễ xung quanh cây nêu buộc sẵn con trâu
Trẻ em trong làng buộc giúp chỉ ngũ sắc cho nhau
Trước nghi thức chính, người Xê Đăng sẽ giết thịt một con heo được treo ngược trên cây nêu
Sau đó, con trâu sẽ bị quật ngã và được buộc bởi dây mây tại 4 chân
Chủ hộ sẽ làm lễ cúng và khấn nguyện trước khi con trâu được đâm
Lễ đâm trâu sẽ kết thúc sau khi con trâu chết hẳn
Sau nghi lễ đâm trâu, bát tiết trâu đầu tiên sẽ được người Xê Đăng dùng để làm lễ gọi linh hồn và cầu an
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.