Mặt trăng trẻ mãi không già

15/10/2016 21:32 GMT+7

Vệ tinh tự nhiên của trái đất đã xấp xỉ 4,53 tỉ tuổi, nhưng luôn giữ được bề ngoài tươi trẻ nhờ vào kỹ thuật được gọi là tẩy bề mặt do tác động của đá vũ trụ.

Kết quả nghiên cứu mới của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện vẻ bề ngoài của mặt trăng mà chúng ta luôn trầm trồ khi thưởng lãm ngày nay hoàn toàn khác so với thời đại của những người thông minh (homo sapien) đầu tiên, theo chuyên trang Space.com đưa tin ngày 12.10.
Không có khí quyển đáng kể, mặt trăng liên tục bị vũ trụ dội bom bằng đủ loại “vũ khí” có thể thu thập được trong điều kiện của Hệ mặt trời, từ tiểu hành tinh, sao chổi, bụi vũ trụ. Hậu quả là bề mặt của thiên thể quen thuộc với cư dân địa cầu luôn xuất hiện những hố va chạm, nhào nặn và làm xáo trộn lớp đất trên bề mặt của nó.
Dữ liệu vừa được thu thập cho thấy tình trạng này xảy ra ở tần suất gấp hàng trăm lần so với suy đoán trước đây của giới thiên văn học. Bằng việc so sánh các hình ảnh ở cùng khu vực sau những giai đoạn thời gian khác nhau, nhóm các nhà khoa học do tiến sĩ Emerson Speyerer của Đại học bang Arizona (Mỹ) dẫn đầu đã tính toán được số hố va chạm mới, và từ đó áp dụng kỹ thuật ngoại suy cho toàn bộ bề mặt mặt trăng.
“Chúng tôi phát hiện 222 hố va chạm mới và số hố va chạm có đường kính ít nhất 10 m phải gấp 33% so với các mô hình dự đoán trước đây”, theo báo cáo trên chuyên san Nature. Các nhà khoa học cũng quan sát được hàng ngàn trường hợp xáo trộn nhỏ trên bề mặt của mặt trăng, mà họ gọi là “những vết sẹo” do các vụ va chạm nhỏ hơn gây ra. Những vết sẹo này khuấy tung lớp trên cùng của mặt trăng (lớp 2 cm bề mặt) nhưng không tạo ra hố va chạm, với tần suất cao hơn gấp 100 lần so với suy đoán trước đây.
Như vậy, với khoảng 180 hố va chạm mới được hình thành mỗi năm, và các vết sẹo liên tục hình thành trên bề mặt, kết quả là mặt trăng bị cưỡng bức “căng da mặt” hoàn toàn trong mỗi 81.000 năm.
Tuy nhiên, chỉ có mặt trăng được lợi sau các cuộc “giải phẫu thẩm mỹ” kiểu này. Trong nỗ lực vươn đến những vùng đất mới của Hệ mặt trời, con người luôn cho rằng mặt trăng sẽ là bước đệm lý tưởng. Với trọng lực yếu và khoảng cách gần trái đất, một căn cứ trên vệ tinh tự nhiên này có thể làm bàn đạp cho những sứ mệnh xa hơn.
Thế nhưng, cường độ dội bom của vũ trụ lên mặt trăng đồng nghĩa với việc bất kỳ căn cứ nào của con người ở đây sẽ đối mặt với nguy cơ hứng đòn tấn công thường xuyên từ đá vũ trụ. Thậm chí một mẩu thiên thạch cỡ nhỏ vỡ ra từ một cú va chạm của tiểu hành tinh cũng có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể cho các trạm không gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.