Người Sài Gòn trắng đêm nấu bánh chưng, bánh tét trên vỉa hè ăn Tết

26/01/2017 13:42 GMT+7

Như một truyền thống, trong những ngày cận tết, người Sài Gòn lại tự tay gói bánh chưng rồi mang ra vỉa hè trước nhà để nấu, giúp không khí tết càng rộn ràng.

Có mặt trên các con đường vào tối 25.1 (tức ngày 28 tháng Chạp), dễ bắt gặp những gia đình cùng quây quần bên nồi bánh nóng hổi, hay chỉ có vài người chịu khó ngồi canh bánh cho đến khi trời gần sáng, bánh chín mới thôi.
 
VIDEO: Người Sài Gòn thức đêm canh nồi bánh chưng tết - Thực hiện: Phạm Hữu
Đông vui nhất là khu hẻm 58, đường Trần Văn Dư (phường 13, quận Tân Bình), khi có đến bảy gia đình cùng nấu bánh trong đêm, dù con hẻm này dài chưa đầy 100 m. Cứ trước mỗi nhà là một nồi bánh, mọi người vừa canh lửa, nước rồi lâu lâu lại tụ họp “tám” đủ chuyện ngày tết, không khí chòm xóm rất vui vẻ ấm cúng.
Ở con hẻm 58, có rất nhiều gia đình nấu bánh trong đêm tạo thành không gian xôm tụ ngày cận tết
Mọi người thức đêm nấu bánh cười nói rôm rả
Bà Phạm Thị Lan (52 tuổi, ngụ phường 13, quận Tân Bình) cho biết, ở con hẻm nhà bà luôn có truyền thống cùng nấu bánh chưng mỗi khi tết đến. Cứ đến đầu giờ chiều ngày 28 tết, nhà nhà đều dọn đồ ra vỉa hè, chụm củi, mồi lửa nấu bánh. Nhà nào nhiều người thì nấu nồi to, ít người thì nấu nồi nhỏ.
Cách con hẻm 58 không xa là gia đình ông Hà Văn Phú (56 tuổi, phường 13, quận Tân Bình) với hai nồi bánh chưng và bánh tét. Thời điểm đó, nồi bánh của ông nấu đã “đi được nửa đoạn đường”. Tuy vậy, ít nhất cũng phải chờ đến sáng mới có thể tắt lửa vớt bánh.
Để làm không khí phấn chấn hơn, vài người bạn của con gái ông Phú cùng có mặt chung vui. Tại đây, ông mở tiệc nhẹ cụng ly "lai rai" đến sáng trong lúc chờ bánh chín.
Ông Phú cho biết: “Năm nào gia đình tôi cũng nấu bánh chưng để ăn tết. Tính ra nấu cũng đã 26 năm rồi. Có nồi bánh chưng này mới tạo được không khí ngày tết. Nó như truyền thống của gia đình vậy”.
Việc nấu bánh chưng trên vỉa hè ngày cận tết của một gia đình ở quận Tân Bình
Sau công đoạn nấu bánh là lúc rửa bánh thành phẩm
Phương, con gái ông Hà Văn Phú cùng thức trắng đêm canh nồi bánh cùng bố
Còn tại đường Trường Sa (quận Phú Nhuận) có duy nhất nhà anh Đỗ Trọng Quang và chị Phạm Thị Hồng Đào nấu nồi bánh chưng và bánh tét trước nhà. Khi mọi công việc tạm gác lại, không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn khi bếp lò đỏ lửa. Chị Đào vừa xắt thịt vừa trông bếp, còn anh Quang đi lại lo củi lửa. Hễ thiếu củi anh lại lật đật đếm châm thêm.
Theo chị Đào, nấu bánh ngày tết là nét truyền thống lâu đời của nhà chị. Được truyền từ đời mẹ sang đến đời của chị. Mỗi năm như vậy, nhà chị đều nấu hai nồi bánh chưng và bánh tét. Vì có như thế mới giữ được truyền thống hai miền bắc-trung trong gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.