Súng đồ chơi bắn đạn nguy hiểm 'độc chiếm' hội làng Hà Nội

Tại hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra từ sáng nay, 5.2 (mùng 9 tháng Giêng âm lịch), các loại súng đồ chơi được vô tư mua bán, sử dụng.

“Đoàng”, những người có mặt trước đình làng Triều Khúc lúc 10 giờ sáng nay bỗng giật thót tim khi nghe tiếng nổ lớn ngay bên tai.
Ngay sau đó là một tràng cười rất lớn của một tốp 5, 7 thiếu nhi, trên tay mỗi cậu nhóc là một đồ chơi hình khẩu súng. Một cậu bé khoảng 10 tuổi cho biết, khẩu súng lục đồ chơi mình đang cầm được mua với giá 70.000 đồng, kèm theo băng đạn 6 viên làm bằng nhựa giá 3.000 đồng/băng.
Trẻ em mua súng, người lớn không mấy để ý
Một cậu bé khác, đang có trong tay khẩu súng đồ chơi dài, loại có chân đế ở dưới, cho hay súng có giá 130.000 đồng.
“Còn nhiều kiểu súng khác, súng lớn hơn súng lục, nhưng nhỏ hơn loại có chân này thì chỉ có giá 100.000 đồng”, cậu bé này “khoe”.

tin liên quan

Kinh doanh trái phép hàng ngàn hộp pháo nổ và đồ chơi Trung Quốc
(TNO) Ngày 25.1, Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra và phát hiện tại quán tạp hóa của gia đình ông Lê Thanh tàng trữ, kinh doanh trái phép các loại pháo nổ và đồ chơi trẻ em Trung Quốc với số lượng lớn.
Theo quan sát của chúng tôi, vỏ các khẩu súng làm bằng nhựa, không có bao bì ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, có đến gần 20 cậu bé và nhiều thanh niên có mặt tại lễ hội có trong tay những khẩu súng đồ chơi và tỏ ra thích thú khi bắn vào lá cây, mặt nước, vỏ chai nhựa dựng trên sân. Thậm chí, nhiều cháu hiếu động cũng bắn súng vào lưng áo bạn và thích thú cười, trong khi người bị bắn nhăn mặt vì đau.
Cậu bé có khẩu súng lục đồ chơi chỉ chỗ cho chúng tôi nơi cháu mua. Đó là một sạp bán đồ chơi cho trẻ em mới được dựng lên trong sân làng Triều Khúc những ngày lễ hội, không có khẩu súng nào được bày ra ngoài, chỉ khi thấy có trẻ nhỏ vào ghé tai chủ quán hỏi mua, người đàn ông đứng sạp mới vào trong, lấy ra khẩu súng được giấu kỹ trong bao.
Những khẩu súng - đồ chơi nguy hiểm được mua bán, sử dụng tràn lan như thế này tại ngay sân lễ hội
Chúng tôi vào cùng một cháu nhỏ, ngỏ ý mua một khẩu súng nhựa, thấy bóng dáng người lớn đi cùng, người đàn ông bán hàng lập tức đổi ý, nói “không có”.
Trong sáng nay, có cả ngàn người tập trung về làng Triều Khúc tham dự lễ hội truyền thống của làng, chờ đợi màn rước và biểu diễn điệu múa "Con đĩ đánh bồng" nổi tiếng ở đây.
Nhân viên bảo vệ trật tự lễ hội không có động thái gì trước việc mua bán súng đồ chơi dễ dàng lễ hội này.
Bà Thu, một phụ nữ bán nước chè ngoài sân đình, gay gắt: “Con cháu nhà tôi không bao giờ tôi cho chúng chơi những đồ nguy hiểm như thế này. Những viên đạn này nếu không may bắn vào mắt người khác không biết hậu quả sẽ như thế nào”.
Những hình ảnh trẻ em và cả người lớn sử dụng đồ chơi nguy hiểm tại lễ hội sáng nay:
Súng có chân đỡ được bán cho trẻ em giá 130.000 đồng/khẩu, người lớn có vẻ không quan tâm đến việc con em mình đang chơi đồ chơi gì
Hình thù các đồ chơi này không khác gì một khẩu súng thật ngoài đời
Người lớn cũng mua súng đồ chơi...
Trẻ em cũng thoải mái bỏ tiền ra mua súng, dù mỗi khẩu súng đồ chơi này giá 70.000 - 130.000 đồng
Viên đạn được 1 cháu nhỏ bắn xuống nước
Các viên đạn trong băng đạn được bán giá 3.000 đồng/băng
Các khẩu súng không rõ nơi sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ sát thương cao
Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 464/BNV ngày 27.12.1993 ban hành danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm và Bộ Thương mại, Bộ Y tế đã có Công văn chỉ đạo thực hiện.
Theo đó, các loại súng nói trên đều thuộc danh mục các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm: “a. Các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng trường, súng tiểu liên, súng ngắn: - Súng nén hơi, nén lò xo bắn đạn nhựa hoặc đạn các loại. - Súng bắn phun nước, bắn phát quang hoặc bắn gây nổ. b. Các loại bật lửa có hình dáng quả lựu đạn hoặc hình dáng súng ngắn. c. Các loại kiếm, mác, lưỡi lê, dao găm, cung, nỏ làm bằng gỗ, tre, nhựa, giấy nén”.
Theo Điểm d khoản 4 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm.
Theo điểm a khoản 8 Điều 10 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì hình thức xử phạt bổ sung còn là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.