Đó là ý kiến của rất nhiều bạn đọc về loạt bài Chạy vào chỗ lương thấp để làm gì? đăng trên Thanh Niên.
Khó phát huy được sự sáng tạo
Thực ra hệ thống hành chính nhà nước đã có tiến bộ từ khi tổ chức thi tuyển công chức để đánh giá năng lực phục vụ, nhưng công bằng mà nói thì để gắn được “mác” công chức, người lao động đã phải chịu rất nhiều khổ ải: tiền của, công sức mà rất khó phát huy được sự sáng tạo. Hãy nhìn vào chỉ số đánh giá năng lực và hiệu suất công việc của hệ thống hành chính của các nước phát triển, sẽ thấy ngay sự yếu kém của nền hành chính công VN.
Ngọc Thế (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ỷ lại
“Chạy” vào công chức là căn bệnh trầm kha của xã hội bây giờ, nhất là ở các tỉnh lẻ. Một giáo viên hoặc một công chức hành chính lương 2 - 2,5 triệu đồng/tháng, mà phải “chạy” đến cả trăm triệu đồng để được vào công chức, dạy chỗ ưng ý thì biết dạy khi nào mới “lại vốn”. Vậy mà tình trạng này khá phổ biến, có phải sự ỷ lại đã thành một nếp nghĩ rồi không?
Hữu Linh (H.Triệu Phong, Quảng Trị)
Phải tự khởi nghiệp !
Điều cốt yếu là thay đổi nếp nghĩ cũ kỹ phải vào cho bằng được biên chế, công chức, rồi mới nói đến việc tự khởi nghiệp. Thực tế cho thấy, có những sinh viên sau khi ra trường mày mò làm ăn, đi đúng hướng và đã thành công ngay trên quê hương nghèo khó của mình. Vậy tại sao nhiều người khác ra trường lại cứ phải “chạy”? Đó có phải là suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận các bậc phụ huynh và giới trẻ bây giờ hay không?
Hoài An (Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng)
Kích thích cho tuổi trẻ
Tuổi trẻ rất cần được kích thích để bằng sự năng động của mình tự khởi nghiệp. Đó là sự động viên tinh thần của gia đình, bạn bè và các tổ chức xã hội, sự trợ giúp vốn ban đầu của các tổ chức tài chính. Tôi tin rằng với hoài bão tuổi trẻ, nếu có sự kích thích đúng lúc, đúng sở trường thì họ sẽ đứng vững trên đôi chân của mình. Không cứ hẳn là chạy cho được vào công chức, đồng lương thấp rồi “sáng vác ô đi, tối vác về”. Rất chán!
Nguyệt Trần (trannguyet46@yahoo.com)
Người có bản lĩnh và lòng tự trọng thì không bao giờ nghĩ đến việc phải chạy chọt chỗ này chỗ kia, bởi họ biết sống bằng chính khả năng và sức lực của mình. Song, nghịch lý là xã hội hiện tại quá nhiều người “chạy vào chỗ lương thấp” nhưng vẫn sống khỏe, thậm chí rất giàu nữa là khác. Sự ngược đời này là chỉ dấu về “căn bệnh” chậm tiến của xã hội mà thôi.
Nguyễn Hưng (TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương)
Không ai dại dột chạy vào chỗ lương thấp để... đói, phải có cái gì đó hấp dẫn, khó cưỡng người ta mới chạy như vậy. Thực tế cũng cho thấy, những người chạy vào chỗ này, chỗ kia sau đó tìm cách “thu hồi vốn” rất nhanh, thậm chí còn phất lên nhanh chóng. Như vậy có nghĩa là có “môi trường bẩn” để dung dưỡng cho việc chạy chọt.
Mai Anh Sáng (Q.Tân Bình, TP.HCM)
An Phong - Bùi Chiến (thực hiện)
|
Bình luận (0)