Trên 50% phụ nữ, trẻ em được khảo sát cho biết từng bị quấy rối tình dục

02/12/2016 16:58 GMT+7

Đây là một thực trạng đáng lo ngại về bạo lực giới và quấy rối tính dục tại khu vực công cộng được Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Action Aid công bố ngày 2.12.

Theo bà Trần Thị Bích Loan, Phó vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH), khảo sát đường phố về vấn đề bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại khu vực xe buýt và nhà vệ sinh công cộng được Bộ LĐ-TB-XH và Action Aid thực hiện trong tháng 8 - 9.2016 tại 5 tỉnh gồm: Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Trà Vinh. Đối tượng được khảo sát là phụ nữ và trẻ em gái có độ tuổi từ 16 - 60 tuổi. Kết quả cho thấy, 63,4% phụ nữ và trẻ em gái cảm thấy không an toàn nơi công cộng; 82,1% phụ nữ và trẻ em gái lo lắng về nạn cướp và móc túi tại nơi công cộng; bất an ở những khu vực công cộng như: xe buýt, điểm dừng và bến; 31,3% phụ nữ và trẻ em gái không biết đi vệ sinh ở đâu vì không có nhà vệ sinh công cộng hoặc nhà vệ sinh không sạch sẽ.
“Rõ ràng các dịch vụ công tại nhiều thành phố ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu và chưa đảm bảo yếu tố nhạy cảm giới. Những nơi như bến xe buýt hay nhà vệ sinh công cộng và những dịch vụ được người dân sử dụng hàng ngày, nhưng lại ẩn chứa nhiều nguy cơ về bạo lực giới và quấy rối tình dục”, bà Loan nói.
Theo khảo sát, đáng lo ngại hơn cả là tình trạng quấy rối tình dục tại nơi công cộng như: công viên, trên các phương tiện giao thông công cộng… Có tới 51,3% phụ nữ, trẻ em gái được khảo sát cho biết trải qua ít nhất một hình thức quấy rối tình dục tại nơi công cộng và nơi làm việc, như: huýt sáo, trêu ghẹo, nhìn chằm chằm vào bộ phận nào đó trên cơ thể hoặc toàn bộ cơ thể, sờ mó hoặc đụng chạm cố ý, gửi trang web và ảnh khiêu dâm…

tin liên quan

Báo động xâm hại tình dục trẻ em
Cần bổ sung tội danh “quấy rối tình dục” 
Bà Đào Thị Xuân Lan, thẩm phán TAND tối cao cho biết, tình trạng xâm hại tình dục (XHTD) phụ nữ và trẻ em gái những năm gần đây đã xảy ra nhiều, đáng báo động. 
Nghiên cứu cũng cho thấy một thực trạng đáng buồn, thay vì trình báo cơ công an, hay cảnh báo cho người khác, khi xảy ra các hành vi quấy rối, có tới 47,1% phụ nữ và trẻ em giữ im lặng. Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện tổ chức Action Aid Việt Nam bày tỏ: “Đa phần phụ nữ cảm thấy xấu hổ và thậm chí bị xã hội kỳ thị nếu họ khai báo các hành vi quấy rối tình dục, bởi suy nghĩ đổ lỗi cho phụ nữ vì đã có hành vi sai trái gì đó nên mới bị đàn ông quấy rối. Điều này khiến cho những thủ phạm vẫn đang tự do ngoài vòng công lý mà nghiêm trọng hơn, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã trở thành một vấn đề bình thường và được “chấp nhận” bởi đại bộ phận xã hội”.
Từ kết quả khảo sát trên, nhóm nghiên cứu khuyến nghị, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định và cơ chế pháp luật bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước các hình vi quấy rối tình dục. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt mạnh hơn đối với hành vi bạo lực nhắm tới phụ nữ và trẻ em gái ở tất cả mọi nơi. Đối với các cơ quan chức năng, những người làm công tác giữ gìn trật tự tại nơi công cộng, cần tăng cường lực lượng nữ công an với nghiệp vụ và thái độ có nhạy cảm giới để ứng phó với các tình huống bạo lực; đồng thời thiết lập các đường dây nóng để phụ nữ có thể kịp thời khai báo về hành vi bạo lực và yêu cầu lực lượng chức năng có các hành động can thiệp…
Theo khảo sát, tại Hà Nội các điểm không an toàn là Bến xe Long Biên, Nước Ngầm, Giáp Bát, các tuyến xe buýt, công viên, nhà vệ sinh công cộng tuyến Giáp Bát - Nhổn, công viên Bắc Thăng Long, đường Khuất Duy Tiến… Tại TP.HCM là bến xe Miền Đông, khu Chợ Lớn, Thư viện Trung tâm ĐH Quốc gia TP.HCM, cầu Phú Mỹ... Hầu hết những người gây ra hành vi quấy rối đều là nam giới trong nhóm tuổi 15 - 25.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.