TS Trần Ngọc Đăng cảnh báo: Hít phải bụi mịn bà bầu nguy cơ sinh non, sảy thai

14/10/2019 19:08 GMT+7

TS Trần Ngọc Đăng ( Giảng viên bộ môn Sức khỏe Môi trường, khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM) cho biết, những bà bầu hít phải bụi mịn sẽ khiến bụi mịn chui vào nhau thai, gây suy nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi.

Trong thời gian gần đây, ô nhiễm không khí (ONKK) đang trở thành vấn đề môi trường đe doạ nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. Trong buổi gặp gỡ báo chí “Tám về Môi trường” do Change tổ chức vào chiều 14.10 với sự tham gia của những chuyên gia về ONKK đã thảo luận về ảnh hưởng của ONKK đến với sức khỏe cộng đồng.

ONKK ảnh hưởng đến thai nhi

Theo TS Trần Ngọc Đăng, gần đây nhất có một nghiên cứu được công bố trên tạp chí chuyên ngành y khoa nổi tiếng thì bụi mịn trong không khí (nhất là không khí ô nhiễm) có khả năng gây ảnh hưởng đến bà bầu và thai nhi.
Theo đó, người ta quan sát 25 bà bầu thì phát hiện bụi mịn có trong cả nhau thai của bà mẹ, gây suy nhau thai, ảnh hưởng đến thai nhi. Những chất gây ONKK, đặc biệt là bụi mịn gây sinh non (sinh trước 37 tuần), gia tăng khả năng sinh nhẹ cân, thậm chí còn có một số nghiên cứu chỉ ra nguy cơ sảy thai khi bà bầu tiếp xúc với nồng độ bụi mịn.

Khói bụi từ nhà máy đang hủy diệt sự sống của con người và thiên nhiên

Trần Văn Túy

Bên cạnh đó, trẻ em từ 0-5 tuổi là nhóm đối tượng mà cha, mẹ cần phải lưu tâm vì cơ thể trẻ đang rất nhạy cảm. TS Đăng dẫn một nghiên cứu cho thấy, nếu đứa trẻ ngày nhỏ tiếp xúc với ONKK quá nhiều thì khi lớn lên chức năng phổi sẽ không bình thường. Về lâu dài, bụi mịn còn gây ra những nguy cơ tắc nghẽn mạch máu mạn tính.
"Bụi mịn xâm nhập từ máu lên tới não, trẻ sơ sinh bộ não đang phát triển, bụi mịn có thể tấn công gây tổn thương não, trẻ sẽ có vấn đề về nhận thức, học hỏi", TS Đăng lưu ý.

Cần ban hành luật không khí sạch

Tại hội thảo, anh hùng khí hậu Hoàng Thị Minh Hồng cũng cho rằng, nhiều nhà đầu tư ngần ngại khi rót vốn vào một thành phố có ONKK. Theo bà Hồng: "Nếu đầu tư 1 USD vào kiểm soát ONKK thì tương lai sẽ tiết kiệm được 15 USD chi phí về sức khỏe liên quan đến ONKK. Các giải pháp mà hiện nay nhiều người đưa ra như: hạn chế khí thải, dùng phương tiện công cộng, sử dụng máy lọc không khí,... chỉ là các biện pháp trước mắt. Về lâu dài, cần có luật không khí sạch mới thay đổi được chất lượng không khí ở tương lai".
PGS.TS Nguyễn Đình Tuấn, Phó Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam thì chia sẻ, không chỉ riêng gì ông mà những người làm về môi trường đều rất muốn ban hành luật về không khí sạch. Các chuyên gia của mạng lưới không khí sạch đã nhiều lần đề nghị vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có luật nào liên quan.
"Để vấn đề ONKK được hạn chế và thay đổi trong tương lai, cần có những chính sách dài hạn. Còn các giải pháp trước mắt chỉ là tạm thời, mang tính thời điểm",  ông Tuấn nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.