Giải mật tài liệu: Triều Tiên từng chủ động tìm cách 'phá băng' quan hệ hai miền

29/12/2023 10:59 GMT+7

Hàn Quốc vừa công bố các tài liệu mới được giải mật cho thấy khái quát về mối quan hệ với CHDCND Triều Tiên từ năm 1979-1981, khi Seoul đang quay cuồng trong bối rối chính trị sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Park Chung-hee.

Theo hãng tin Yonhap ngày 28.12, hồ sơ do Bộ Thống nhất Hàn Quốc công bố bao gồm bản ghi các cuộc liên lạc giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên từ tháng 1.1979 đến tháng 12.1981, bao gồm cả đề xuất của Bình Nhưỡng về việc tổ chức các cuộc họp với các quan chức chủ chốt, khôi phục đường dây nóng điện thoại liên Triều và thảo luận về việc thành lập một đội vận động viên thống nhất liên Triều để tham dự Thế vận hội mùa hè ở Moscow (Nga) năm 1980.

Giải mật tài liệu: Triều Tiên từng chủ động tìm cách 'phá băng' quan hệ hai miền- Ảnh 1.

Binh sĩ Triều Tiên (phía xa) quay phim binh sĩ Hàn Quốc tại làng Bàn Môn Điếm ở giới tuyến liên Triều hồi năm 2013

REUTERS

Những đề xuất như vậy được đưa ra khi tình hình chính trịHàn Quốc rơi vào tình trạng hỗn loạn sau vụ ám sát nhà lãnh đạo Park Chung-hee vào ngày 26.10.1979, chấm dứt chế độ kéo dài 18 năm của ông. Tình hình còn phức tạp hơn vào ngày 12.12 cùng năm khi ông Chun Doo-hwan, người sau này trở thành tổng thống, lãnh đạo một cuộc đảo chính quân sự.

Giữa tình trạng hỗn loạn đó, Triều Tiên đã chuyển sang lập trường hòa giải trong mối quan hệ với Hàn Quốc. Trước đó, Triều Tiên đơn phương cắt đứt đường dây nóng điện thoại liên Triều sau khi hai sĩ quan quân đội Mỹ bị lính biên phòng Triều Tiên chém chết bằng rìu tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm vào năm 1976.

Vào tháng 1.1980, Triều Tiên đã gửi thư đề nghị đàm phán tới 12 nhân vật chính trị chủ chốt, trong đó có Thủ tướng Hàn Quốc Shin Hyun-hwak cũng như các ông Kim Young-sam và Kim Dae-jung, những người sau này đều trở thành tổng thống.

Tháng sau đó, trong các cuộc đàm phán liên Triều, Triều Tiên đồng ý khôi phục đường dây nóng điện thoại bị đình chỉ từ năm 1976.

Một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng Bình Nhưỡng khi đó đánh giá đã đến lúc để chuyển sang thái độ đối thoại vì điều đó có thể tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Mỹ rút khỏi Hàn Quốc. "Họ sử dụng cuộc đối thoại liên Triều như một phương tiện cho chiến lược thống nhất", vị quan chức nói.

Seoul tổ chức diễn tập phòng thủ hiếm có

Tuy nhiên, thái độ hòa nhã của Triều Tiên nhanh chóng kết thúc khi ông Chun Doo-hwan lên nắm quyền và đàn áp cuộc nổi dậy Gwangju vào năm 1980. Triều Tiên lên án sự kiện này và gọi việc Seoul áp đặt thiết quân luật là điều "đáng hổ thẹn". Năm 1981, ông Chun đề nghị các chuyến thăm qua lại và đối thoại với lãnh đạo Kim Nhật Thành, (ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un) nhưng miền Bắc bác bỏ đề xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.