20 năm 'Tiếp sức mùa thi' góp phần thay đổi giáo dục: Cải cách để thí sinh thi gần nhà

Hà Ánh
Hà Ánh
03/06/2021 06:00 GMT+7

20 năm qua, Chương trình Tiếp sức mùa thi do Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của giáo dục, đặc biệt là thi cử.

Với 40 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục và thi cử, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (ảnh), nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã có những chia sẻ xung quanh chương trình Tiếp sức mùa thi.

Ảnh: Đ.N.T

Góp phần rất lớn vào sự an toàn cho các kỳ thi

Thưa tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, ông có hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, trong đó hơn 20 năm gắn bó với ĐH Quốc gia TP.HCM và có 3 nhiệm kỳ liên tục trong vai trò Phó giám đốc phụ trách mảng đào tạo và tuyển sinh của ĐH này. Ông có đánh giá gì về đóng góp của chương trình Tiếp sức mùa thi cho các hoạt động giáo dục nói chung?
Tôi đánh giá Tiếp sức mùa thi là một chương trình cộng đồng có hiệu quả, có tác động tốt trong giáo dục, trở thành một thương hiệu nhiều năm qua. Chương trình đã đồng hành cùng hàng triệu thí sinh (TS) nhiều thế hệ, góp phần lớn vào sự thành công của mỗi mùa thi tuyển sinh suốt chặng đường 20 năm qua. Ở giai đoạn sau này, chương trình còn gắn liền với những câu chuyện tiếp sức đến trường cho không ít tấm gương nghị lực học giỏi vượt khó đầy nhân văn.
Tiếp sức mùa thi đã góp phần thay đổi thi cử ra sao, thưa ông?
Suốt gần 20 năm qua, kỳ thi phục vụ xét tốt nghiệp, xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN đã có nhiều bước điều chỉnh theo hướng phù hợp và thuận lợi hơn cho người học. Trong đó, riêng từ năm 2014 - 2017 các chính sách, quy chế, quy định về thi và tuyển sinh thay đổi rất nhiều.
Từ năm 2014 trở về trước, Bộ GD-ĐT tổ chức riêng biệt kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả xét tuyển) phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. Năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia lần đầu được tổ chức, là kỳ thi 2 trong 1 được gộp lại bởi 2 kỳ thi trước đó với mục tiêu nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Từ 2017 - 2020, việc thi và tuyển sinh ổn định hơn, nhưng hằng năm vẫn có điều chỉnh, bổ sung một số quy định để thuận lợi hơn cho TS. Năm 2020, kỳ thi THPT quốc gia tạm dừng và trở lại kỳ thi tốt nghiệp THPT với cách thức tổ chức tương tự nhưng mục đích chính xét tốt nghiệp, các trường vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi làm căn cứ xét tuyển.
Xuyên suốt quá trình ấy, có thể nói các hoạt động của chương trình Tiếp sức mùa thi đã góp phần rất lớn vào sự an toàn cho các kỳ thi, giúp TS dự thi được thuận lợi hơn. Từ tình huống tổ chức kỳ thi “3 chung” với số lượng TS tập trung trong thời gian rất ngắn gây quá tải lớn cho các thành phố về nhiều mặt, chương trình này cùng với sự chung tay của nhiều người dân đã tham gia hỗ trợ, tiếp sức miễn phí cho hàng trăm ngàn TS về giao thông, nhà trọ, ăn uống miễn phí…
Chính sự hỗ trợ đó là một trong những tình huống thực tế, điểm xuất phát để tiến tới việc cải cách kỳ thi sao cho TS được dự thi gần ở địa phương, gần nhà. Từ đó, từ “3 chung” thành 1 kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay với rất nhiều thay đổi trong cách thức tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho TS và người nhà trong quá trình dự thi.

Giúp người học được tiếp cận với bậc học cao hơn

Ông có thể kể lại kỷ niệm ấn tượng nhất, mà ông từng có hoặc chứng kiến về chương trình Tiếp sức mùa thi?
 Trong suốt nhiều năm, các hoạt động tiếp sức này luôn là một phần trong các kỳ thi quốc gia và ấn tượng nhất trong tôi là những câu chuyện lan tỏa sẻ chia từ xã hội.
Trong vai trò thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia tham dự những buổi họp tổng kết đợt thi, ấn tượng nhất với tôi vẫn là những con số hàng trăm ngàn TS được hỗ trợ. Như năm 2015 lần đầu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức, toàn quốc đã có hơn 60.000 chỗ ở miễn phí, hơn 280.000 chỗ ở giá rẻ, tặng hơn 400.000 suất cơm, hơn 228.000 vé xe buýt miễn phí…
Sau những con số này là các câu chuyện thân tình, gần gũi và ấm áp của các chiến sĩ, chú xe ôm, cô chủ nhà trọ, quán cơm. Chẳng hạn, chuyện 2 chú xe ôm Huỳnh Viết Thăng Long và Hoàng Đăng Sơ tiếp sức cho TS khi vừa bước xuống bến xe suốt nhiều năm…
Cùng với thời gian, Tiếp sức mùa thi đã không ngừng thay đổi để phù hợp hơn với những điều kiện thực tế. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực thay đổi của chương trình này thời gian qua? Trong thời gian tới, chương trình cần điều chỉnh, thay đổi ra sao để tiếp tục phát huy các đóng góp cho hoạt động giáo dục, đặc biệt là thi cử?
Thi cử thay đổi và chương trình hỗ trợ đắc lực cho kỳ thi này cũng đã chủ động điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế. Ngay như năm 2020, trước ảnh hưởng đột ngột của dịch Covid-19 đến đời sống, chương trình đã có những mô hình, cách thức hoạt động hỗ trợ kịp thời cho TS. Cũng hỗ trợ TS trực tiếp tại điểm thi nhưng có thêm nhiều hoạt động mới như: phát khẩu trang miễn phí, phục vụ rửa tay sát khuẩn trước khi vào khu vực thi…
Ngay trong năm rồi chương trình đã giúp gần 250.000 TS được hỗ trợ ôn thi trực tuyến, hoạt động này rất thiết thực khi có những thời điểm do ảnh hưởng của dịch việc học tập trung không thể diễn ra. Sự đổi mới không ngừng để chương trình luôn sát cánh, đồng hành cùng TS còn phải kể đến hoạt động học bổng Nghị lực mùa thi nhằm tiếp sức cho học sinh khó khăn học giỏi thực hiện ước mơ học ĐH. Những hoạt động này sẽ vẫn tiếp tục cần thiết trong thời gian tới.
Chương trình Tiếp sức mùa thi là một chương trình xã hội nhằm hỗ trợ các thí sinh thi vào các trường ĐH, CĐ. Chương trình do Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức lần đầu tiên từ năm 1996 với tên gọi “Chương trình hỗ trợ thí sinh dự thi đại học, cao đẳng”.
Năm 2001, Trung ương Hội Sinh viên VN, Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên cùng Tập đoàn Thiên Long nhân rộng mô hình và tổ chức chương trình với tên gọi chính thức là Tiếp sức mùa thi.
Chương trình Tiếp sức mùa thi ra đời với mong muốn hỗ trợ, giúp đỡ các TS có một kỳ thi an toàn, đạt kết quả tốt nhất. Qua 20 năm, Chương trình Tiếp sức mùa thi có nhiều điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi của xã hội, giáo dục.
Với những ý nghĩa và giá trị tích cực, chương trình được rất nhiều thành phần trong xã hội hưởng ứng, ủng hộ và tham gia tích cực, trở thành một hoạt động xã hội có uy tín.
Dù thay đổi không ngừng nhưng chương trình này vẫn bám sát mục tiêu ban đầu như chính tên gọi của nó - tiếp sức cho TS trong mỗi mùa thi. Không chỉ việc thi cử, chương trình Tiếp sức mùa thi đã góp một phần làm thay đổi giáo dục, giúp người học được tiếp cận với bậc học cao hơn sau khi hoàn thành THPT và bắt đầu một hành trang mới của cuộc đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.