Bắt đầu chương trình dạy trên truyền hình cho học sinh lớp 9, 12

Bích Thanh
Bích Thanh
19/03/2020 08:14 GMT+7

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết bắt đầu từ ngày 23.3, thành phố sẽ bắt đầu phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình với sự tham gia giảng dạy của những giáo viên có kinh nghiệm.

Ngay sau khi Bộ GD-ĐT có công văn hướng dẫn về việc tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu xem xét, kế thừa những nội dung đã học qua hình thức này, các địa phương đã tiến hành thực hiện dạy học trên truyền hình.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết bắt đầu từ ngày 23.3, TP sẽ bắt đầu phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình với sự tham gia giảng dạy của những giáo viên có kinh nghiệm, giáo viên mạng lưới môn học.
Cụ thể, thông qua các bài giảng của giáo viên, học sinh (HS) của 2 khối lớp trên sẽ học tiếp nối các kiến thức của học kỳ 2. Trong đó lớp 9 là 3 môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ còn lớp 12 là các môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học. Riêng 3 môn của tổ hợp bài thi xã hội, không tổ chức dạy trên truyền hình nhưng Sở cũng chỉ đạo ngoài những bài giảng trên truyền hình, giáo viên tại các trường vẫn thông qua ứng dụng trên internet để giao nội dung bài tập các môn xã hội để định hướng cho HS đọc sách, ôn tập, giải đáp thắc mắc.
Theo đó, những bài giảng trên truyền hình chỉ tập trung giới thiệu kiến thức, giáo viên truyền đạt nội dung bài mới. Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, HS đi học trở lại, giáo viên tổ chức rà soát HS đã học đều, học đủ chưa, nắm tình hình đến đâu, cần thiết thì bổ sung để hoàn chỉnh và tổ chức kiểm tra để công nhận kết quả học tập. Tức là thời gian, thời lượng dạy học vẫn được công nhận và là nền tảng để dạy tiếp làm sao cho kết thúc năm học đúng theo quy định của Bộ là ngày 15.7.
Sở giao quyền chủ động của các trường, từ những tiết dạy trên truyền hình, nhà trường có trách nhiệm tổ chức cho HS, đôn đốc, liên lạc với HS để theo dõi quá trình học của HS. Bên cạnh việc học trên truyền hình, nhà trường dùng các phần mềm trường học kết nối, cổng thông tin điện tử để liên lạc, hỗ trợ HS.
Ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm các trường cần xây dựng chủ đề dạy học trực tuyến qua mạng để hỗ trợ HS học tập tại nhà. Các chủ đề cần được xây dựng và quản lý chặt chẽ theo đúng quy định và lợi ích chung của người học. Nhà trường xây dựng các phương án hợp lý cho tất cả HS, đảm bảo mọi HS đều được tham gia học tập, đảm bảo tính công bằng, nhân văn trong giáo dục. Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn HS học tập.
Đặc biệt, ông Hiếu nhấn mạnh khi HS đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình. Từ đó, hướng dẫn giáo viên rà soát, tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định. Nhà trường có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho các HS không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian thực hiện dạy học trực tuyến.
Dạy trên truyền hình mỗi ngày đến hết tháng 3
Theo thông tin từ Sở GD-ĐT Gia Lai ngày 18.3, sở này đang phối hợp với Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Gia Lai phát sóng chương trình dạy học cho HS lớp 9 trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19.
Theo đó, bắt đầu từ 18.3, HS sẽ học 3 môn: văn, toán và Anh văn trong thời gian từ 9 giờ 35 - 10 giờ 15 và 14 giờ 45 - 15 giờ 25 mỗi ngày. Thời gian dạy thực hiện nguyên cả tuần cho đến cuối tháng 3. Theo Sở GD-ĐT Gia Lai, nếu việc dạy qua truyền hình hiệu quả sẽ tiếp tục triển khai cho các cấp học khác.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có công văn chỉ đạo Đài phát thanh - truyền hình tỉnh, Sở Thông tin - Truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ ngành giáo dục tỉnh Quảng Ngãi thực hiện truyền tải bài giảng, kiến thức đến HS trên các kênh truyền thông được thuận lợi, kết quả tốt. 
Trần Hiếu - Phạm Anh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.