Chính phủ đã chấp thuận phương án THPT quốc gia năm 2020 sẽ là kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích xét tốt nghiệp. Việc tuyển sinh đại học do các trường tự chủ. Các học sinh lớp 12 lên kế hoạch ôn tập thế nào để vừa đảm bảo thi tốt nghiệp vừa đủ kiến thức để thi tuyển vào các trường đại học?
Hoàng Ngọc Trâm, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), cho biết kế hoạch ôn thi của Trâm không thay đổi nhiều khi kỳ thi THPT vẫn diễn ra nhưng chỉ xét tốt nghiệp. Ngay từ đầu Trâm đã nắm vững những kiến thức cơ bản, trọng tâm và không quá phụ thuộc vào việc thi trắc nghiệm, nên sự thay đổi hướng thi không ảnh hưởng quá lớn. Hơn thế, việc thay đổi này còn khiến Trâm trở nên nghiêm túc và dành nhiều thời gian tìm hiểu, ôn tập nhiều hơn để có thể đạt kết quả tốt nhất.
Tuy nhiên, vì Trâm đã quen với cách thức thi và dạng đề của những năm gần đây, nên việc thay đổi này đã làm Trâm khá bối rối cũng như chưa thích ứng kịp. Trâm phải sắp xếp lại thời gian và nội dung ôn thi sao cho phù hợp với phương án của Bộ GD-ĐT. Trâm bày tỏ: “Nhưng mình sẽ lấy đó làm động lực và mục tiêu để phấn đấu, tìm hiểu nhiều hơn để vạch ra chiến lược tốt nhất cho kỳ thi này. Mình mong rằng các bạn cũng có thể tập trung cao độ và bình tĩnh, tận dụng thời gian để ôn tập và đạt được thành tích cao”.
|
Tương tự, Trần Thị Trúc Đào, học sinh lớp 12, Trường THPT Phạm Thành Trung (Tiền Giang) cho biết, khi nhận được thông tin kỳ thi THPT vẫn diễn ra nhưng chỉ xét tốt nghiệp, Đào có chút bất ngờ vì thay đổi như vậy những dự định của bản thân cũng ảnh hưởng ít nhiều. Nhưng khi quyết định đã được Bộ GD-ĐT và Chính phủ thống nhất thì chắc hẳn đã và đang hướng đến những điều tích cực và thuận lợi nhất cho học sinh vào lúc này.
Lưu Ngọc Duyên, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Phú Hưng (Cà Mau), cho biết việc kỳ thi THPT 2020 chỉ xét tốt nghiệp là hợp lý. Năm nay vì tình hình dịch diễn ra đã ảnh hưởng khá nhiều đến việc học tập và ôn thi. Mặc dù, Bộ GD-ĐT đã tinh giản chương trình học, nhưng ôn tập trong thời gian gấp rút nên lượng kiến thức mà học sinh nắm sẽ không vững.
“Việc tinh giản chương trình học sẽ bỏ đi một số kiến thức quan trọng. Nếu dùng điểm để xét đại học thì sẽ không đạt được chất lượng tốt như những năm trước. Nhưng cũng rất nhiều áp lực về việc một số trường đại học sẽ tổ chức thi riêng, đề thi có thể sẽ khó rất nhiều. Đối với bản thân mình cơ hội vào đại học là không cao”, Duyên bộc bạch.
|
Học nghiêm túc và chăm chỉ
Thầy Nguyễn Xuân Hoài Phước, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (Đồng Nai), cho biết sự thay đổi này có thể giảm được áp lực của bài thi tốt nghiệp, học sinh có thêm thời gian để có thể ôn chuyên sâu hơn cho khối thi mình thích. Tuy nhiên, giáo viên và học sinh phải thường xuyên cập nhật tình hình và thông tin về kỳ thi. Học sinh cần nghiên cứu kỹ hơn về việc lựa chọn đăng ký xét tuyển, nộp hồ sơ vào trường nào vì cơ hội chỉnh sửa và lựa chọn sẽ ít đi.
Theo thầy Hoài Phước, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, bên cạnh việc giảng dạy, giáo viên cần làm thêm công tác tâm lý để học sinh có lựa chọn chính xác cho việc nộp hồ sơ vào các trường đại học. Bên cạnh đó, học sinh nên giữ bình tĩnh vì dù tách làm 2 đợt thi, nhưng kiến thức cũng nằm trong toàn bộ những gì các em đã học và sẽ được học. Đối với thi tốt nghiệp thì việc học tập nghiêm túc và chăm chỉ là cực kỳ cần thiết, chỉ có học tập thật lực mới giúp các bạn thoải mái vượt qua kỳ thi. |
Bình luận (0)