“Cháu muốn khóc”
Rất nhiều độc giả gửi tới Báo Thanh Niên ý kiến bình luận với tư cách là học sinh lớp 12, đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của kỳ thi THPT năm nay. Hầu hết ý kiến đều bày tỏ sự bất ngờ và đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại trước khi quyết định chính thức.
Bạn đọc có tên Lê Thị Hồng Mai viết: “Cháu là học sinh lớp 12, nghe tin này cháu muốn phát khóc. Dịch bệnh đã làm tụi cháu áp lực kinh khủng, bây giờ lại vậy. Cháu thực sự rất thất vọng về Bộ. Thật sự mệt mỏi lắm rồi”.
Tương tự, bạn đọc Mạnh Nguyễn phản hồi: “Mình cũng đang là học sinh của lớp 12, đã chuẩn bị 3 năm học rồi ôn tập hướng thi THPT quốc gia, thời gian không còn nhiều nữa vậy mà các phương án thi cứ thay đổi liên tục như vậy. Học sinh tụi em còn hoang mang hơn nữa chứ. Mong Bộ xem xét”.
Còn độc giả tên Vĩnh, giới thiệu mình là học sinh lớp 12, nêu ý kiến: “Nên đánh giá ý kiến của những người có liên quan mật thiết đến kỳ thi như học sinh , phụ huynh để có một lựa chọn chính xác nhất còn nếu dựa vào những người ít liên quan đến thì sẽ thực sự khó chấp nhận”.
Một bạn đọc khác bình luận: “Nếu kế hoạch thi như thế này, học sinh phải qua 2 kỳ thi? Ôi thật là áp lực và tốn kém cho học sinh và phụ huynh . Bộ Giáo dục muốn nói sao cũng được? Mới công bố đề tham khảo thi THPT quốc gia, nay lại xoay chuyển 180 độ. Chóng mặt!”.
Bạn đọc Bùi Linh viết: “Theo như mong muốn giảm áp lực cho học sinh nhưng vẫn giữ thi tốt nghiệp THPT theo đề của Bộ Giáo dục và thi tiếp ĐH theo yêu cầu tuyển sinh của từng trường. Vậy giảm tải, giảm áp lực cho học sinh ở chỗ nào khi phải trải qua đến 2 kỳ thi. Chương trình học bình thường còn phải ôn thi ôn tập sống chết mới có thể vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp PTTH và dùng nó xét tuyển ĐH. Giờ học online hiệu quả chỉ đạt 60% mà yêu cầu học sinh lớp 12 phải vượt qua 2 kỳ thi để tốt nghiệp và có cơ hội học ĐH?”.
Lắng nghe ý kiến của học sinh và giáo viên
Hầu hết ý kiến đều cho rằng học sinh và nhà trường đang rất khó khăn trong việc dạy học vì dịch bệnh, chọn phương án nào cũng phải giảm áp lực cho học sinh. Còn nếu thi tốt nghiệp THPT quy mô quốc gia xong lại phải khăn gói lên thành phố thi thêm vài kỳ thi để dự tuyển vào các trường ĐH thì quá khó khăn cho học sinh.
Đặc biệt, áp lực nặng nề khi không biết từng trường ĐH sẽ tuyển sinh riêng thế nào, khi học sinh không còn thời gian chuẩn bị nữa.
Độc giả Nguyễn Thị Hương thẳng thắn: “Tôi nhớ cách đây chưa đầy 3 năm. Bộ trưởng nói trước toàn dân rằng hình thức thi THPT quốc gia không thay đổi ít nhất 3 năm sau. Vậy lời nói gió bay à. Học sinh rất lo vì thời gian còn ít mà thi ĐH mở như thế này thì ngẫu hứng quá. Gây khó cho giáo viên và học sinh”.
Độc giả tên Nga đặt câu hỏi: "Tại sao Bộ Giáo dục không lấy ý kiến những người trong cuộc, cụ thể là học sinh và giáo viên trực tiếp giảng dạy. Là người có con sẽ thi trong năm nay, tôi vẫn mong Bộ Giáo dục tổ chức kỳ thi với mục đích xét tốt nghiệp và xét tuyển đầu vào ĐH như mọi năm”.
Ban đọc Chu Thị Minh Tâm cho rằng, khi quyết định thay đổi thì mong Bộ GD-ĐT cân nhắc vì các em học sinh. Đừng để các em và nhà trương phải bị quay theo quyết định của người không trực tiếp dạy và học.
Đồng quan điểm, bạn đọc Tống Hà đề nghị Bộ GD-ĐT nên tham khảo ý kiến của giáo viên và học sinh trước khi chốt phương án mới. Nếu học sinh muốn thi vào 2 trường ĐH sẽ phải tham gia tới 3 kỳ thi. Vậy quá áp lực cho các em, chưa kể đang theo hình thức thi trắc nghiệm mà giờ cho phép các trường ĐH tự tuyển sinh thì có thể nhiều trường sẽ thi tự luận. Mong Bộ GD-ĐT xem xét lại.
Bạn đọc Chu Văn Trung bình luận: Bộ GD-ĐT cần phải tham khảo ý kiến chung trước khi tự ý thay đổi hình thức thi. Không nên đến giờ phút chót lại thay đổi thi một cách tùy tiện.
Thay đổi phải công bố từ đầu năm học
Bạn đọc tên Thuyle bình luận : “Phương án thi chỉ để xét tốt nghiệp nghe thi có vẻ như tinh giản, giảm áp lực nhưng kỳ thực lại làm khó cho học sinh và gia đình vì phải tham gia nhiều kỳ thi, gây tốn kém rất lớn. Khi mà các trường công lập uy tín còn chưa dám sử dụng kết quả học tập 3 năm THPT để xét tuyển, thì phương án này của Bộ GD-ĐT chỉ đẩy trách nhiệm và khó khăn cho học sinh và trường ĐH. Những lúc khó khăn như thế này, nhìn vào chính sách đưa ra người dân mới đánh giá được ai là người tài? Thương lắm học sinh năm nào cũng được làm chuột bạch vào phút thứ 89”.
Bạn đọc lấy tên “Nông dân” bình luận: "Tội cho các cháu, chuẩn bị 3 năm, ôn tập theo hướng thi THPT quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa tham gia dự tuyển ĐH... Bây giờ phải vừa phải chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, vừa phải quay ngoắt luyện thi để phải thi ĐH... lại càng tội cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn thì kinh phí đâu mà khăn gói đi thi ĐH theo khát vọng, hoài bão của mình...".
Bạn có tên Sông Hương nêu ý kiến: “Đến trước thời điểm này, Bộ GD-ĐT đưa phương án vẫn thi THPT thì giáo viên và học sinh cố gắng dạy học ôn tập. Bây giờ phải vừa phải chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, vừa phải quay luyện thi để phải thi ĐH... lại càng tội cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì kinh phí đâu mà khăn gói đi thi đại học theo khát vọng, hoài bão của mình... Vậy trước đây Bộ nói thi “2 trong 1” để đỡ tốn kém, bây giờ nếu như vậy ngoài tốn kém của cha mẹ học sinh còn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đề nghị Bộ vẫn thi THPT như những năm rồi, nhưng 60% câu nhận biết thông hiểu để các em tốt nghiệp còn lại thì để đánh giá năng lực của từng học sinh khi vào ngành tương ứng…".
Đáp lại ý kiến của bạn đọc Sông Hương, một độc giả tên Thanh viết: "Tôi đồng tình với ý kiến này. Nếu thay đổi thì phải có kế hoạch thay đổi từ đầu năm học chứ không phải bây giờ. Chỉ còn ít thời gian mà Bộ cứ chuyển như chong chóng thì học sinh sao theo kịp. Đã khó khăn rồi mà còn tạo thêm nhiều khó khăn, áp lực cho các cháu. Nếu cảm thấy không yên tâm thì đề cứ ra tương đương như năm trước nhưng không ra phần giảm tải là được. Mong là Bộ GD-ĐT còn xem xét lại và vẫn giữ nguyên kỳ thi như mọi năm
Bạn đọc Nguyễn Hà An đề xuất: Nếu chỉ thi để xét tốt nghiệp thì không cần thi vì tốn kém không cần thiết trong khi vừa qua đợt nghỉ tránh dịch kéo dài, kinh tế nhiều khó khăn. Mạnh dạn bỏ thi, chỉ xét tốt nghiệp còn tuyển sinh giao cho các trường ĐH.
Bình luận (0)