Những đồ dùng học tập cần thiết đối với học sinh lớp 1
Theo cô Vũ Thị Thương, giáo viên lớp 1, Trường tiểu học Ngô Quyền (Q.Bình Tân, TP.HCM) thì với phụ huynh các lớp học khác cha mẹ đã được kết nối với giáo viên và có kinh nghiệm mua sắm cho con từ những năm học trước nên không quá bỡ ngỡ.
Riêng phụ huynh lớp 1, với nhiều người đây là lần đầu tiên họ có con đi học nên thường mỗi năm các trường đều có họp phụ huynh và giáo viên sẽ hướng dẫn chi tiết việc mua sắm, chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Nhưng năm nay, do TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên nhiều trường vẫn chưa thể thực hiện họp phụ huynh như mọi năm.
Theo cô Thương, để chuẩn bị cho con vào lớp 1 đầu tiên phụ huynh cần chuẩn bị sách giáo khoa. Sách giáo khoa sẽ tùy trường, phần lớn trường tiểu học ở TP.HCM hiện chọn dạy theo bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam) nhưng vẫn có một số trường dạy bộ Cánh Diều (NXB ĐH Sư phạm TP.HCM). Do vậy, trước khi mua sách phụ huynh nên tìm hiểu xem trường con mình dạy theo bộ nào để mua đúng bộ sách.
Sách thì phụ huynh có thể đăng ký mua ở trường hoặc nhà sách, nhưng với tình hình hiện tại nếu chưa mua được sách phụ huynh có thể tạm thời cho con sử dụng sách giáo khoa điện tử, được các nhà xuất bản đưa lên website.
Tiếp đó, mỗi em sẽ cần ít nhất 2 - 5 quyển vở ô ly (loại 4 dòng), số lượng tùy theo từng trường; 2 cây bút chì màu đen, thước, gôm tẩy, túi đựng giấy thủ công (bao gồm có kéo cắt giấy loại nhỏ dùng cho những môn thủ công, nhưng phụ huynh không cho trẻ tự ý dùng)…
Ngoài ra, việc chuẩn bị nền nếp cho trẻ cũng rất quan trọng. Theo cô Thương, phụ huynh cần phải hướng dẫn con tự đi vệ sinh. Mỗi tiết học trực tuyến sẽ kéo dài khoảng 15 - 20 phút nên phụ huynh cũng cần tập dần cho con ngồi học, làm việc tập trung trong khoảng thời gian này để các em tập được thói quen tập trung trong thời gian dài. Học hoặc chơi xong thì phụ huynh hướng dẫn con tự sắp xếp sách vở, đồ dùng, tự chuẩn bị cho tiết học của mình… Dù là việc nhỏ nhưng theo giáo viên thì đây là những kỹ năng quan trọng các em cần có ở lứa tuổi lớp 1.
“Với những phụ huynh nào hiện điều kiện gia đình đang khó khăn do có người mắc Covid-19 hay không có đủ thiết bị cho con học, thì mình phải thông cảm, không thể ép học sinh phải theo được chương trình. Sau này khi các em quay trở lại trường, giáo viên sẽ có đánh giá riêng và hỗ trợ thêm cho các em”, cô Thương chia sẻ.
|
Học trực tuyến thì cần chuẩn bị gì?
Còn cô Nguyễn Ngọc Thanh Thảo, giáo viên lớp 1 Trường Song ngữ Quốc tế Royal School, cho biết trong lúc dạy học trực tiếp tại trường, bất cứ giáo viên nào cũng thường theo sát từng em. Với lớp 1, dạy học trực tiếp tại lớp vốn đã khó giờ đây phải dạy trực tuyến, nhìn nhau qua màn hình lại còn khó hơn.
Do đó, để các con không bị bỡ ngỡ và việc học trở nên hiệu quả theo cô Thảo cha mẹ trước hết phải chuẩn bị cho con thiết bị để học trực tuyến có hỗ trợ micro, camera và có thể kết nối internet như máy tính bàn có webcam, laptop, iPad... để con có thể học tập. Ngoài ra, ba mẹ hãy ưu tiên kết nối internet cho con để đường truyền của thiết bị con sử dụng là tốt nhất.
Việc chuẩn bị tâm lý cũng rất quan trọng. Thường trẻ sẽ có suy nghĩ khi ngồi trước máy tính, iPad… là để chơi, các con thường sẽ sao nhãng và không tập trung. Do vậy, trước khi bắt đầu năm học mới phụ huynh cần tác động tâm lý để các con hiểu được rằng dù ngồi trường máy tính nhưng là để học.
Về dụng cụ học tập, việc chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp các con không phải chạy khắp nhà để tìm kiếm dụng cụ học tập.
Đặc biệt năm nay trẻ sẽ học trực tuyến ngay khi vào lớp 1 nên theo cô Thảo việc cha mẹ học cùng con là yếu tố quan trọng và cần thiết. Trong đó, phụ huynh cần lưu ý một số kỹ năng quan trọng như tư thế ngồi học, cách cầm bút hay cách tương tác qua nền tảng trực tuyến…
Về tư thế ngồi học, các em cần được ngồi phải thoải mái, hai chân chạm đất; khoảng cách từ mắt đến vở là 25-30 cm, cột sống luôn ở tư thế thẳng đứng và vuông góc với mặt ghế, hai tay phải đặt đúng điểm tựa quy định. Ba mẹ cần bố trí bàn cho con ngồi học ở nơi có ánh sáng vừa đủ, không nên cho con ngồi học trên giường hay nằm đất…
Về cách cầm bút, phụ huynh nên hướng dẫn bé cách cầm bút bằng tay phải, cầm bút bằng 3 ngón tay (cái, trỏ, giữa), đầu ngón trỏ cách đầu ngòi bút khoảng 2,5 cm, cầm bút xuôi theo chiều ngồi, góc đặt bút so với mặt giấy khoảng 45 độ và tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ…
Cùng với các cô, ba mẹ cũng nên hướng dẫn các bé cách sử dụng các thiết bị để học và tương tác hiệu quả, từ cách cầm chuột, kích chuột cho đến cách giơ tay, tắt, mở micro khi cần phát biểu. Dù học trực tuyến nhưng ba mẹ cũng nên hướng dẫn để con không gây ồn ào ảnh hưởng đến các bạn, sẽ phát biểu khi được cô giáo cho phép… Nói thì trẻ thường nhanh quên nên ba mẹ có thể tập cho con thao tác ngay trên thiết bị để con được thực hành và nhớ lâu hơn.
“Một điều quan trọng là ba mẹ khi thấy con cầm bút sai hay ngồi sai tư thế thì phải kịp thời và kiên nhẫn để sửa cho con. Không nên trách mắng bởi điều này sẽ khiến các con cảm thấy áp lực và sợ hãi trong việc học. Bước đầu mình chịu khó bởi khi trẻ quen rồi thì việc học sẽ trở nên dễ dàng hơn”, cô Thảo nhắn nhủ phụ huynh.
Bình luận (0)