Trên là chia sẻ của chuyên gia Cathy Li, trưởng bộ phận truyền thông, giải trí và thông tin thuộc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).
Theo tài liệu được đăng tải bởi WEF, sự thay đổi rõ ràng nhất là việc học trực tuyến. Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chính quyền nhiều nơi yêu cầu trường học phải đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Do đó, nhiều trường học phải chuyển sang hình thức học trực tuyến để đảm bảo quá trình học không bị gián đoạn. Nhiều công ty công nghệ bắt tay với các cơ sở giáo dục để cung cấp nền tảng học trực tuyến. Việc học qua mạng giúp giải quyết những vấn đề về khoảng cách địa lý, cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, hàng loạt ứng dụng, nền tảng học tập giúp học sinh tiếp cận với bài giảng, tương tác với giáo viên, thực hiện dự án... được ra đời.
Từ nhiều năm qua, việc chuyển đổi số và công nghệ mới đã được áp dụng vào lĩnh vực giáo dục và trở thành xu thế tại nhiều nước. Trong đó, có những công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra “trợ lý ảo” giúp giáo viên xây dựng bài giảng, đánh giá, chấm bài thi hoặc hỗ trợ giảng dạy học sinh. Cũng có nhiều trường phát triển những chatbot (robot trò chuyện), giúp giải đáp thắc mắc của học sinh về việc học tập, giấy tờ, học phí, theo tạp chí Forbes. Một số công ty phát triển những ứng dụng thực tế ảo (VR), cho phép học sinh trải nghiệm những điều thực tế bên ngoài thiên nhiên ngay bên trong lớp học, hoặc có thể thực hiện những thí nghiệm hóa học mà không cần thiết bị thực tế.
Theo WEF, tổng mức đầu tư toàn cầu cho ngành công nghệ giáo dục đạt 18,6 tỉ USD trong năm 2019 và thị trường giáo dục trực tuyến dự kiến đạt mức 350 tỉ USD vào năm 2025.
Bình luận (0)