Để cây xanh trường học không còn là nguy cơ với học sinh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
29/05/2020 07:08 GMT+7

Vụ việc cây phượng bật gốc trong sân trường khiến học sinh tử vong rất đau lòng, nhưng không phải vì thế mà nói 'không' với cây xanh.

Ngược lại, phải xem đây là dịp để có cách kiểm soát tốt hơn việc trồng cây xanh và những nguy cơ khác trong trường học.

Cây xanh không có lỗi

Trong trường học hay trong đô thị, cây xanh không có lỗi, nếu con người biết bảo vệ, chăm sóc cây đúng cách, đó là tài sản quý giá với môi trường sống.
Chị Đỗ Thị Thanh Huyền, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia (Q.2, TP.HCM), đơn vị thường xuyên phối hợp với các nhà hảo tâm tổ chức chương trình trồng rừng, cho biết tùy từng trường học, địa hình từng nơi sẽ có danh mục những loại cây trồng phù hợp.
Ngày 28.5, trao đổi với các cơ quan báo chí, chị Đỗ Thị Thanh Huyền cho biết đơn vị đang gửi tâm thư “Trường học cần cây xanh” tới các trường học trong TP.HCM. Trong thư, chị Huyền - người có hơn 20 năm kinh nghiệm bảo tồn thiên nhiên và giáo dục học sinh, bày tỏ nỗi lo lắng nếu vì lo ngại cây mất an toàn mà đốn bỏ hết cây xanh hoặc không trồng cây tại trường học thì đó sẽ là thiệt thòi lớn cho con người và môi trường.
Chị Huyền khẳng định: “Các mảng xanh trong trường học, đặc biệt là các trường học tại các thành phố lớn góp phần khích lệ và duy trì tương tác của học sinh với thiên nhiên, tạo sự cân bằng trong quá trình phát triển thể chất và tinh thần, khích lệ tính sáng tạo và tư duy tích cực của các em”.

Duy trì mảng xanh mà vẫn an toàn

Trong tâm thư, Trung tâm bảo tồn thiên nhiên Gaia gợi ý các giải pháp để duy trì mảng xanh trong trường học mà vẫn đảm bảo an toàn cho học sinh: Rà soát kiểm tra định kỳ cây xanh trong trường học hằng năm, đặc biệt là trước mùa mưa bão. Hướng dẫn học sinh các quy tắc an toàn trong mùa mưa bão, đề phòng cây đổ, điện giật... Học sinh nên tránh không sinh hoạt dưới gốc cây, đặc biệt vào những ngày trời gió to hoặc sau trận mưa bão. Học sinh cũng cần học cách quan sát xung quanh, khẩn trương chạy ra xa khi thấy cây bắt đầu có hiện tượng rung lắc mạnh.
“Trước khi trồng cây tại khuôn viên các trường học, cần được sự tư vấn của các chuyên gia về cây xanh trong môi trường học đường để chọn được loài cây phù hợp. Khi trồng cây, cần lưu ý kỹ thuật trồng cây, đào hố đủ to, đủ sâu... giúp bộ rễ phát triển sâu rộng, bám vững vàng vào đất. Lưu ý kích thước cây, những cây to, đường kính thân lên tới 20 - 30 cm, khi trồng sẽ nhanh tạo bóng mát, nhưng rễ lại không bám sâu vào lòng đất, do vậy khả năng đổ ngã cao hơn so với trồng cây nhỏ hơn”, chị Huyền nhận định.

Tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây

Anh Ngọc Hồ, quản trị của diễn đàn “Thích trồng cây” với hơn 360.000 thành viên, chia sẻ: “Đi trên đường, gặp cây xanh thì cái nắng cũng hóa dịu mát. Trong trường học cũng vậy, cây xanh rất cần cho tâm hồn các em. Chúng ta thấy các bài văn, thơ, bài hát về trường học cho trẻ em đều gắn với cây xanh. Trường học không thể thiếu cây, nhiều trường còn phát động các em học sinh mang cây tới trường, trồng cây, treo cây tạo mảng xanh. Đó thật sự là việc nên làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu khắp nơi”.
Tuy nhiên, theo anh Hồ, trồng cây ở trường học, cần tuân thủ danh mục cây được phép trồng và điều quan trọng nhất, hãy tôn trọng quy luật phát triển tự nhiên của cây.
“Đơn vị trồng cây và đơn vị làm bê tông, các công trình ngầm lại không phải cùng một bên nên nhiều khi vì để thuận tiện cho công việc của mình, sợ rễ cây chồi lên làm hư hỏng mặt đường bê tông, làm hỏng đường ống nước, hoặc để trồng cây xanh, người ta cắt bỏ rễ cọc của cây đi, thế là thành “cây không chân”. Cây thân gỗ, cây lâu năm sống bằng rễ cọc, nó luồn sâu bám chặt vào lòng đất, nếu không có rễ cọc, chỉ có các rễ chùm vươn ra thì cây không thể vững chãi, có thể đổ bất cứ lúc nào”, anh Ngọc Hồ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.