Đơn vị tuyển dụng cũng cần thay đổi cách kiểm tra bằng cấp

Hà Ánh
Hà Ánh
11/09/2020 08:10 GMT+7

Đại diện các trường đại học cho rằng dù dữ liệu người học có sẵn trên hệ thống nhưng cách làm của nhiều doanh nghiệp vẫn theo hình thức truyền thống nên không tiếp cận nhanh thông tin.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết hệ thống dữ liệu trực tuyến của trường đang có thông tin hàng trăm ngàn người học đã tốt nghiệp tại trường từ năm 2000 trở về sau. Trước thời điểm này, trường chỉ lưu trữ dữ liệu văn bản cứng và file scan, để xác thực thông tin cần gửi văn bản đến trường.
“Nhà tuyển dụng chỉ cần nhập đúng thông tin người học sẽ cho ra kết quả đúng. Trường hợp đặc biệt có thể liên lạc với trường để xác minh lần cuối phòng trường hợp sai sót có thể xảy ra”, ông Nhân cho hay.
Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng khẳng định việc tra cứu dữ liệu trực tuyến này nếu thực hiện đúng sẽ cho thông tin chính xác bước đầu. Chẳng hạn, khi nhập đúng số hiệu văn bằng mà cho ra kết quả tương thích thông tin người học với số hiệu văn bằng, có nghĩa là bằng đúng. Nếu nhập số hiệu văn bằng nhưng cho ra thông tin người học khác, nghĩa là bằng bị làm giả.
Theo ông Lưu, việc tra cứu dữ liệu văn bằng trực tuyến này có thể cho kết quả chính xác, nhanh chóng và tiện dụng. Cách thức này cần được phổ biến đến các đơn vị tuyển dụng để thay thế bớt hình thức xác nhận bằng văn bản truyền thống. Nhưng với những trường hợp đặc biệt, việc xác minh văn bằng trực tiếp từ sổ gốc cấp bằng của cơ sở đào tạo vẫn cần thiết.
“Thực tế quá trình xác nhận văn bằng tại trường cho thấy không chỉ bằng tốt nghiệp bị làm giả mà còn giả cả văn bản xác thực văn bằng”, ông Lưu thông tin. Thống kê quá trình xác thực văn bằng tại trường này cho thấy, trong 138 văn bằng gửi đến trường xác thực năm 2018, có 9 bằng giả; năm 2019 phát hiện 3 bằng giả trong số 156 bằng xác thực. Trong 9 tháng đầu năm nay đã phát hiện 25 bằng giả trong số hơn 200 văn bằng được gửi đến trường.
Sở GD-ĐT TP.HCM bắt đầu cập nhật dữ liệu từ giai đoạn 1970
Để đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, đoàn thể, trường học, Sở GD- ĐT TP.HCM có phân công bộ phận chịu trách nhiệm trong việc xác minh văn bằng, chứng chỉ. Công việc được thực hiện hằng ngày và cường độ được miêu tả phải “ký xuội tay” là những chia sẻ của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM.
Một lãnh đạo Phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng GD của Sở GD-ĐT cho biết hiện nay Sở đã công khai dữ liệu tốt nghiệp THPT trong các năm gần đây. Người có nhu cầu chỉ cần tra cứu dựa theo thông tin cá nhân của thí sinh là biết kết quả, nhưng việc này chưa được công nhận tính pháp lý trong tuyển dụng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở, các bộ phận phụ trách của Sở hiện tại đang bắt đầu cập nhật dữ liệu hình ảnh bằng cấp, chứng chỉ từ giai đoạn 1970 đến nay để khi đồng bộ hóa dữ liệu sẽ có cơ sở để thực hiện áp dụng ngay.
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.