Giảng viên nhắn nhủ sinh viên: Lập kế hoạch cho học kỳ mới thôi nào!

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
24/04/2020 15:20 GMT+7

Lo ngại sinh viên của mình trở lại trường trong tâm trạng 'ì ạch' do nghỉ học quá lâu, giảng viên kêu gọi sinh viên "hãy lập kế hoạch cho học kỳ mới, hãy dậy sớm, học tập chủ động, tích cực lên nào!".

Thoát khỏi "sức ì" bằng thái độ chủ động

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụy, Phó Trưởng Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng việc học trực tuyến thời gian qua đã hình thành thói quen học tập mới cho những sinh viên có tính chủ động trong quá trình học tập. Tuy nhiên, đối với những sinh viên không có tinh thần chủ động, thì chỉ tham gia học "cho có", theo dõi bài giảng như thể "đang xem phim” chứ không thực hiện ghi chép hoặc tương tác với giảng viên.
"Nó sẽ tạo sức ì rất lớn trong thói quen học tập, khiến các em gặp khó khăn khi quay trở lại trường học do thói quen này được "nuôi dưỡng" suốt 3 tháng liền. Để khởi động lại quá trình học tập một cách hiệu quả, các em cần phải lưu ý 3 vấn đề. Thứ nhất, phải lập tức thay đổi thái độ học tập ngay trong thời gian này khi các buổi học trực tuyến vẫn đang diễn ra theo thời gian biểu, không học theo kiểu "cho có nữa" mà cần chủ động, tích cực nghe giảng, ghi chép và tiếp thu. Thứ hai, các em cần chuẩn bị đầy đủ tài liệu học tập và xem lại nội dung của các bài học mà giảng viên đã giảng dạy trực tuyến trước đó để đánh dấu, khoanh vùng những vấn đề mình còn thắc mắc chưa hiểu rõ để có thể trao đổi trực tiếp với giảng viên khi quay trở lại giảng đường. Thứ 3, hãy đặt lịch đồng hồ nhắc nhở những công việc hàng ngày và tập thể dục thường xuyên để có một cơ thể khỏe mạnh và tinh thần tích cực cho quá trình học tập", tiến sĩ Thuỵ đưa ra lời khuyên.
Theo thầy Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, sinh viên sẽ mất một chút thời gian để có thể thích nghi trở lại. "Giảng viên cũng sẽ chưa có yêu cầu quá cao trong giai đoạn trở lại trường, chỉ cần các bạn có có tinh thần chủ động, thái độc học tập tích cực. Việc nghỉ lâu sẽ khiến ít nhiều kiến thức bị gián đoạn nên trong những ngày chuẩn bị trở lại trường, các em xem lại bài cũ, tìm hiểu thêm về những môn học sắp học trên lớp trong học kỳ mới để không quá bỡ ngỡ khi học", thầy Minh Trí chia sẻ.
Lo ngại sinh viên vẫn giữ thói quen ngủ trễ, ngủ quên như thời gian nghỉ dịch Covid-19, thầy Trí dặn dò thêm: "Thích nghi lại với việc dậy sớm vốn không phải là điều dễ dàng với sinh viên. Việc đi học đúng giờ rất quan trọng, đặc biệt là sau kỳ nghĩ dài, giảng viên có khá nhiều vấn đề cần trao đổi và làm việc với sinh viên. Các em nhớ cài đồng hồ để tránh ngủ quên".

Xác định mục tiêu, tạo động lực cho bản thân

Lập cho mình một thời gian biểu để nhắc nhở mình về những kế hoạch của học kỳ mới cũng là cách mà sinh viên nên làm ngay trong khi quay trở lại trường. Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Thoa, Trưởng khoa Luật - Chính trị, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, lưu ý: "Sau khi lập kế hoạch, thời gian biểu cho bản thân, các em cần phân phối thời gian hợp lý cho các hoạt động cá nhân để tự cân bằng cuộc sống, nhưng luôn ưu tiên cho việc học tập và nghiên cứu lên hàng đầu".
Tiến sĩ Thoa cho rằng việc lập kế hoạch cụ thể sẽ rất tốt mỗi sinh viên. Nó giúp sinh viên xác định được mục tiêu của việc học tập, tạo động lực cho bản thân. "Lúc đó, học tập không còn là nghĩa vụ nặng nề, không gây áp lực mà trái lại học tập chính là một nhu cầu giống như những nhu cầu thiết yếu khác của cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy vui mỗi khi chúng ta hoàn thành một mục tiêu trong kế hoạch đó. Giảng viên sẽ luôn hỗ trợ các em, chỉ cần các em luôn chủ động, có thái độ học tập tích cực và có mục tiêu như thế", tiến sĩ Thoa bày tỏ.
Giữ mong muốn gặp gỡ trực tiếp 
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, cho rằng dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen giao tiếp của nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên do được nghỉ học quá lâu. "Theo đó, các em chủ yếu giao lưu qua mạng là chính. Nếu thói quen này được duy trì lâu dài sẽ ảnh hưởng không tốt tới các mối quan hệ tương giao. Nó khiến bạn trẻ "lười" gặp gỡ, lười giao tiếp trực tiếp. Ngay cả giải quyết mâu thuẫn, xung đột cũng qua tin nhắn Facebook, Zalo, rất khó để làm cho mọi thứ tốt đẹp hơn. Vì thế, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các em trở lại trường học, trở lại nơi làm việc, hãy chú tâm giữ kết nối, giữ mong muốn được gặp gỡ nhau trực tiếp ngoài đời, đừng tiếp tục trói mình trong 4 bức tường và giao tiếp qua mạng nữa. Hãy lên kế hoạch gặp gỡ ai, làm việc gì, học tập như thế nào...", tiến sĩ Thúy nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.