Giới thiệu mô hình giáo dục mầm non giúp trẻ sáng tạo của Ý với Việt Nam

Quý Hiên
Quý Hiên
09/10/2020 18:34 GMT+7

Ngày 9.10, một số cơ quan liên quan cùng Đại sứ quán Ý tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT đã phối hợp tổ chức tọa đàm giới thiệu một mô hình giáo dục sáng tạo ở bậc mầm non của Ý với Việt Nam.

Chiều 9.10, tại Trung tâm văn hóa Ý (Hà Nội), đã diễn ra buổi tọa đàm “Giới thiệu giáo dục sáng tạo trong giáo dục mầm non: Hướng tiếp cận Reggio Emilia Aproach”.
Đây là tọa đàm do một số cơ quan liên quan cùng Đại sứ quán Ý tại Việt Nam và Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức. Tọa đàm là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Loris Malaguzzi, nhà sư phạm lỗi lạc người Ý.
Tại cuộc tọa đàm, ông Antonio Alessandro, Đại sứ Ý tại Việt Nam, cho biết Hướng tiếp cận Reggio Emilia là một mô hình giáo dục sáng tạo ở bậc mầm non của Ý được ông Loris Malaguzzi phát triển sau khi kết thúc thế chiến thứ 2. Hiện nay, phương pháp này đã phổ biến tại 140 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.

Một tiết học của các bé Trường mầm non Thế giới mặt trời, nơi duy nhất ở Việt Nam đang áp dụng mô hình Hướng tiếp cận Reggio Emilia của Ý

Ảnh Nam Thanh

 Ưu điểm của Hướng tiếp cận Reggio Emilia là không đi sâu vào nội dung chương trình học, mà chỉ đưa ra triết lý giáo dục dựa trên mỗi đứa trẻ với những tiềm năng mạnh mẽ, với hàng trăm loại ngôn ngữ của riêng mình, với cơ hội phát triển và trưởng thành cùng những mối quan hệ với cộng đồng xung quanh.
Theo đó, môi trường học tập chính là người thầy thứ ba, có sự tham gia của phụ huynh, gia đình; và hồ sơ học tập thể hiện quy trình tiếp thu, thấu hiểu và sáng tạo của học sinh. Điểm ưu việt của hướng tiếp cận này là tính chất thuận lợi cho quá trình bản địa hóa chương trình giảng dạy, lồng ghép những nội dung mang giá trị truyền thống, văn hóa của từng quốc gia và cân bằng với yếu tố hội nhập, toàn cầu hóa.
Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, bày tỏ cảm kích trước việc Đại sứ quán Ý đã quan tâm tới phát triển giáo dục mầm non ở Việt Nam, tổ chức tọa đàm này để giới thiệu rộng rãi một mô hình giáo dục sáng tạo ở mầm non của Ý tới các nhà giáo dục, quản lý trong lĩnh vực giáo dục mầm non Việt Nam.
Theo bà Minh, với hướng tiếp cận giáo dục dựa trên việc phát huy năng lực tiềm ẩn của trẻ, tôn trọng và yêu thương trẻ thơ, tạo điều kiện tốt nhất về môi trường để trẻ trải nghiệm và phát triển, Hướng tiếp cận Reggio Emilia có sự tương đồng với quan điểm giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT, là "lấy trẻ làm trung tâm".
“Tôi được biết, cách tiếp cận này là thông qua những vật dụng giản dị trong thiên nhiên và cách thiết kế môi trường gần gũi, thân thiện, tinh tế, giàu tình cảm, tạo điều kiện giúp trẻ em phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, phát triển tình cảm, ngôn ngữ... Đặc biệt, chúng ta sẽ không tốn chi phí cho việc mua các trang thiết bị. Như vậy, có thể vận dụng cách tiếp cận này cho các trường ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, là một lợi thế so với một số phương pháp giáo dục mầm non yêu cầu nhiều giáo cụ, học liệu”, bà Minh nói.
Được biết, nơi duy nhất hiện nay ở Việt Nam thực hiện mô hình Hướng tiếp cận Reggio Emilia là Trường mầm non Thế giới Mặt trời (Little Em’s Pre-school, ở Q.3, TP.HCM). Đơn vị giới thiệu và phát triển mô hình này vào Việt Nam là Global Embassy, một tổ chức giáo dục của Việt Nam.
Tại tọa đàm, ông Bùi Vu Thanh (người được công chúng Việt Nam biết đến nhiều hơn là với tư cách nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ người Úc gốc Việt, Thanh Bùi), lý giải việc Global Embassy hào hứng “truyền bá” Hướng tiếp cận Reggio Emilia vào Việt Nam : “Chúng tôi luôn thấu hiểu rằng mỗi học sinh là một cá nhân riêng biệt, vì vậy con đường học tập mà mỗi học sinh lựa chọn rất đặc trưng. Chúng tôi mong rằng các học sinh có được cơ hội bước ra thế giới, thách thức chính bản thân mình để học và phát triển xa hơn và sẵn sàng quay trở về để phục vụ đóng góp cho Việt Nam”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.