Giúp tân sinh viên thích ứng với môi trường mới

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
20/10/2020 09:17 GMT+7

Lần đầu sống xa gia đình để đi học ở một thành phố lớn, nhiều tân sinh viên bỡ ngỡ và nếu không kịp thời trang bị kỹ năng thì rất khó thích nghi và làm chủ cuộc sống mới.

Đối mặt nhiều khó khăn và nguy cơ

Thạc sĩ Hoàng Thị Thoa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho biết: “Các em lần đầu tiên đi học xa nhà, khó khăn lớn nhất là phải tự sắp xếp, điều khiển cuộc sống của mình, từ việc học tập, sinh hoạt, vui chơi, ăn uống ngủ nghỉ, đều không có ba mẹ hay thầy cô nhắc nhở như trước nữa. Từ lúc này các em phải tự lập và chủ động trong mọi thứ để đạt được mục tiêu”.
Theo thạc sĩ Thoa, tân sinh viên (SV) có thể sẽ rơi vào 2 tình huống: một là bối rối, không tự chủ được với lịch học tập và sinh hoạt mới khiến mọi thứ đảo lộn; hai là được tự do, thoải mái như “chim sổ lồng” nên sa đà vào những thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, nền nếp, cũng dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn và thậm chí bỏ bê học hành.
“Đó là chưa kể ở thành phố lớn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về việc làm đa cấp, nhà trọ, mất trộm, khiến các em dễ bị sa ngã, hoặc rơi vào khó khăn, tuyệt vọng. Vì thế, các em cần cảnh giác khi đi tìm nhà trọ, lưu ý bảo vệ tài sản cá nhân, tìm hiểu để nhận biết hình thức lừa đảo bằng đa cấp để không bị dụ dỗ”, thạc sĩ Thoa chia sẻ thêm.
Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng lưu ý: “Nếu thấy những nhân viên giới thiệu từ các công ty hoàn toàn mới lạ, không rõ nguồn gốc, đến mời chào việc làm với những thông tin hấp dẫn như thu nhập cao, có thể làm mọi lúc mọi nơi, cách làm thoáng... thì cần cảnh giác vì đa số đều là những công ty đa cấp biến tướng. Có nơi ép SV muốn được tuyển dụng phải bỏ ra một khoản tiền để mua sản phẩm trước. Rất nhiều SV do không biết nên đã bị dụ dỗ, sau đó phải lừa chính người thân, bạn bè để bán sản phẩm. Rồi làm mãi mà không thu nhập được như quảng cáo, mà còn rơi vào nợ nần, phải trốn nợ, bỏ học...”.

Thay đổi phương pháp học tập

Không chỉ phải thích nghi với cuộc sống mới, tân SV còn phải thích nghi với phương pháp học tập mới nếu muốn học tốt những năm ĐH.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường, Trưởng khoa Marketing, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay: “Ở trường ĐH thường áp dụng các phương pháp dạy và học dựa trên chuẩn đầu ra, giải quyết vấn đề, năng lực người học... Mỗi chương trình đào tạo, thậm chí mỗi môn học, có thể áp dụng một số phương pháp. SV học theo tín chỉ, do vậy phải chủ động xây dựng kế hoạch học tập của mình để hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp. Việc này khác hẳn với cách học thời phổ thông”.
Theo tiến sĩ Trường, tân SV cũng cần lưu ý điều kiện tốt nghiệp ĐH không chỉ ở kết quả học tập, rèn luyện mà còn có yêu cầu về chứng chỉ an ninh quốc phòng, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Một số chương trình đào tạo còn yêu cầu SV phải có công trình nghiên cứu khoa học nên ngay khi vào trường, SV phải nắm rõ thông tin để có kế hoạch học tập phù hợp.
“Để có kỹ năng và nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, SV nên tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ học thuật, thể thao, văn nghệ, đoàn - hội hay các cuộc thi... Nếu SV gặp khó khăn về tài chính thì nên liên hệ với nhà trường để được hỗ trợ, tránh ra ngoài vay lãi “xã hội đen”. Các em cũng đừng quên có mối liên hệ tốt với bạn bè cùng lớp, khoa, trường và cố vấn học tập để có định hướng phù hợp, tránh mắc bẫy của kẻ xấu”, tiến sĩ Trường đưa ra lời khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.