GS Trịnh Xuân Thuận nói chuyện về 'con người và vũ trụ'

09/07/2016 05:15 GMT+7

Chiều 8.7, GS Trịnh Xuân Thuận (68 tuổi, giảng viên ngành vật lý thiên văn tại ĐH Virginia, Mỹ) đã có buổi nói chuyện, giao lưu với học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học tại Hội trường Quang Trung (TP.Quy Nhơn, Bình Định) về chủ đề Con người và vũ trụ: Vũ trụ có một ý nghĩa gì không?

Chương trình do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Bình Định và Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành phối hợp tổ chức.
GS Trịnh Xuân Thuận trình bày về ngành vật lý thiên văn - ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Tại buổi nói chuyện, GS Trịnh Xuân Thuận cho biết ông sinh ra tại Hà Nội nhưng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống từ năm ông lên 6 tuổi. Ông theo học tại Trường Yersin tại Đà Lạt (nay là Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt) và sau đó là Trường Jean-Jacques Rousseau (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn) tại Sài Gòn. Năm 1966, sau khi đỗ tú tài, ông rời Sài Gòn đi du học Thụy Sĩ vì đất nước này có sử dụng tiếng Pháp.
Từ nhỏ, ông đọc rất nhiều sách của Albert Einstein (nhà vật lý lý thuyết người Đức) và mơ ước sau này mình sẽ đi theo con đường nghiên cứu khoa học cơ bản. Sau khi học ở Thụy Sĩ, ông Thuận nghe có 3 trường đại học ở Mỹ có nhiều giáo sư rất là giỏi về vật lý đang nghiên cứu, giảng dạy nên gửi thư đăng ký theo học. Nhưng trường này rất danh tiếng trên thế giới nên luôn chọn đầu vào là những sinh viên rất giỏi. Các trường đã gửi bài tập kiểm tra đầu vào, ông Thuận hoàn thành đạt yêu cầu nên được nhận vào học. Tuy nhiên, lúc đó ông yêu cầu phải cấp học bổng thì mới theo học vì đồng lương của cha không đủ để nộp học phí.

Sau đó, ông đã theo học ngành vật lý thiên văn tại Học viện Kỹ thuật California (California Institute of Technology, thường gọi là Caltech) ở bang California (Mỹ) từ 1967 đến 1970, và tại Đại học Princeton từ 1970 đến 1974. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Princeton. Từ năm 1976, ông là giáo sư ngành vật lý thiên văn này tại Đại học Virginia cho đến nay. Hiện ông còn là giáo sư thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII.
GS Trịnh Xuân Thuận giao lưu, trả lời các câu hỏi của khán giả - ẢNH: HOÀNG TRỌNG
“Một trong những điều rất quan trọng trong cuộc đời làm khoa học là được các giáo sư giỏi dạy cho cách nghiên cứu, cách nghĩ, cách tư duy... Tôi may mắn có được điều đó tại Caltech. Hai giáo sư tại trường nay là William Alfred Fower (đạt giải Nobel vật lý năm 1983) và Gordon Garmire hướng dẫn tôi rất nhiều”, GS Trịnh Xuân Thuận nói.
GS Trịnh Xuân Thuận cũng trình bày sơ lược về lịch sử hình thành và thành tựu của ngành vật lý thiên văn, về sự hình thành vũ trụ... Trong phần giao lưu, GS Trịnh Xuân Thuận lần lược giải đáp thắc mắc của các học sinh, sinh viên về những vấn đề liên quan đến sự hình thành vũ trụ, về sự sống bên ngoài trái đất, con người có thể đến các hành tinh khác để sinh sống hay không...

Khi được hỏi về lời khuyên bảo cho các bạn trẻ Việt Nam muốn theo đuổi công việc nghiên cứu khoa học, GS Trịnh Xuân Thuận nói: “Đầu tiên, các bạn phải biết mình thích cái gì, đam mê cái gì thì theo đuổi cái đó. Thứ hai là phải có ý chí. Nhiều khi mình làm điều gì đó mình thấy nản thì cần phải có ý chí để vượt qua, cương quyết để làm được điều mình thích.
Lúc còn trẻ, tôi phải rời xa đất nước mình, xa gia đình mình, mà lúc đó nhìn trái đất rộng lớn lắm chứ không phải như bây giờ nên nhiều lúc nản lắm chứ. Khi đó, tôi không có nhiều tiền, không biết tiếng Anh nhưng tôi vẫn xin được học bổng tại Mỹ. Mấy cái này tôi tự làm hết, không có ai giúp tôi được. Nhưng phải công nhận là tôi có may mắn nữa thì mới đạt được mục đích của mình”.
Nhiều khán giả xin chữ ký và email của GS Trịnh Xuân Thuận để tiếp tục trao đổi - ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.