Hài hước chuyện phụ huynh phải ngồi 'canh' mỗi khi con học trực tuyến

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
31/03/2020 18:41 GMT+7

Thấy con bật máy, đeo tai nghe ngồi rất nghiêm túc bên bàn học, chị Thanh Mai tưởng con đang nghe cô giảng trực tuyến. Vào đến nơi thì ai ngờ con đang ngồi... nghe nhạc Rap.

Đó chỉ là một trong vô vàn tình huống mà phụ huynh gặp phải trong những ngày cùng con học trực tuyến mùa dịch Covid-19 này.

Công bố bệnh nhân 205, 206, 207 nhiễm virus corona, thêm người trong ổ dịch Trường Sinh

Nếu không quan sát là con chơi game, nghe nhạc

Chị Nguyễn Thanh Mai, có con học lớp 4 Trường tiểu học Bế Văn Đàn, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, kể lại: "Hằng ngày, mình vô group của lớp tải về máy tính bài học thầy gửi. Sau đó, in bài ra cho con làm. Vào các buổi sáng từ 8 giờ, con sẽ ngồi vào bàn học để nghe các clip bài giảng. Sáng nay, mình thấy con đeo tai nghe nghiêm túc bên bàn học,  tưởng con đang học bài tiếng Anh, ai dè cu cậu đang nghe nhạc Rap. Không chỉ vậy, nhiều lần mình bắt gặp con ngồi... lướt báo mạng, đọc tin tức về tình hình dịch Covid-19 để cập nhật nên mình phải ngồi canh miết. Hồi trước đi học trên trường thì vợ chồng mình rất hạn chế cho con ngồi máy tính. Nay do phải học trực tuyến nên nghiễm nhiên con có lý do để 'ôm' máy suốt ngày. Không ngồi 'canh' là thế nào cũng nghe nhạc hoặc lên mạng đọc đủ thứ".
Không chỉ canh con học, chị Mai còn phải ngồi kế bên kiểm tra tin nhắn thầy gửi, hướng dẫn con cách lấy bài, thế là "hết luôn buổi sáng". Những lúc chị Mai phải làm việc thì có khi trùng với giờ học, con "tranh" mất máy tính.
Chị Nguyễn Thảo Nguyên, có con học lớp 9 Trường THCS Võ Văn Tần, Q.Tân Bình, TP.HCM thì không nhịn được cười, kể lại: "Mấy nay mình làm việc ở nhà nên cũng thuận tiện để kèm con học. Nhưng có một hôm mình phải ra ngoài, do quên đồ nên quay lại lấy. Bước qua phòng con nhìn vào tấm gương sau lưng thấy máy tính ở tình trạng không phải lớp học. Thấy mẹ,  anh chàng vội vàng thoát ra. Hỏi thì con trai nói do cô dùng phần mềm miễn phí nên được một thời gian là phải dừng rồi sau đó mới truy cập lại. Mình gọi ngay hỏi cô thì cô nói "đúng vậy, nhưng em đã vào lại nãy giờ mà chưa thấy con vào lại". Tôi biết là con đã lợi dụng tình huống đó để... chơi game".

Học sinh lớp 4 Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) học trực tuyến

Đào Ngọc Thạch

Chị Ngô Thu Uyên, có con học lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM cũng cho biết việc học trực tuyến trong thời điểm dịch Covid-19 khiến học sinh không thể tới trường là hết sức cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, từ khi con chị học online, cả nhà chị phải thiết kế thời gian biểu mới. "Mỗi ngày cô sẽ gửi clip giảng và link vào email hoặc group của lớp, phụ huynh lấy về cho con làm. Đến trước 19 giờ cô sẽ thống kê bạn nào đã hoàn thành bài học. Thế là mình và ông xã phải chia nhau ra, hôm nào ba bận buổi sáng thì mẹ ngồi với con hướng dẫn con học và ngược lại. Có hôm ba mẹ cùng bận cả ngày, nhắc con chiều nhớ học, đến 7 giờ tối đi làm về thấy con vẫn còn đang hí hoáy. Vào kiểm tra thì thấy con đang ôm laptop líu lo nói chuyện bằng tiếng Anh với bạn. Hóa ra là con đang chơi game online", chị Uyên chia sẻ.
Không chỉ vậy, việc học ở nhà, theo chị Uyên, có nhiều yếu tố khách quan khiến con mất tập trung. Ví dụ tiếng em khóc, đùa nghịch, khát nước chạy ra ngoài uống hay thậm chí là mùi... đồ ăn ở bếp cũng làm cho con "mất tinh thần". Việc ôm máy tính cũng là một "áp lực" khi con có tâm lý chỉ muốn nhanh chóng kết thúc để được nghe nhạc, chơi game. Vì thế, nếu không có ba mẹ ngồi kế bên nhắc nhở, hướng dẫn, động viên thì con sẽ khó hoàn thành buổi học.

Không biết hướng dẫn con như thế nào!

Anh Ngô Trí Toàn, có con học lớp 3 Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính, Q.Tân Phú, TP.HCM kể lại câu chuyện hết sức khôi hài: "Lần đó cô cho bài tập trực tuyến, trong đó có một bài yêu cầu tìm 2 số khi biết tổng hai số và số thứ nhất bằng một 2/3 số thứ 2. Sách giáo khoa thì để hết trên lớp từ trước tết, con cũng không nhớ cách làm nên tôi bèn hướng dẫn sử dụng ẩn số để X để giải. Kết quả thì rõ ràng đúng nhưng con lại bảo ba giải cách đó sai rồi, con chưa bao giờ thấy cô giảng như thế. Hai ba con cãi nhau nên phải nhờ hội phụ huynh giải đáp. Cuối cùng cách giải của tôi không phải dành cho học sinh lớp 4".
Không chỉ môn toán, các môn như tiếng Việt hay tiếng Anh cũng khiến nhiều phụ huynh lúng túng. Anh Toàn cho rằng có những kiến thức đã quá lâu rồi nên phụ huynh để học được cùng con thì phải đọc lại sách giáo khoa hoặc nhờ sự trợ giúp của Google mới có thể hướng dẫn con học.
Chia sẻ về việc này, chị Hồ Thái Phương, có con học lớp 5 Trường tiểu học Bình Long, Q.Bình Tân, TP.HCM, nhìn nhận: "Học trực tuyến theo tôi là một cơ hội nhưng cũng là một thách thức trong giai đoạn mới mẻ này. Cơ hội để các con hình thành kỹ năng học tập mà không cần phải có mặt ở trên lớp, chủ động hơn trong việc tiếp cận kiến thức chính quy. Nhưng thách thức là vì các con chưa quen, nên còn bị tác động bởi yếu tố ngoại cảnh. Hơn nữa ở lứa tuổi tiểu học luôn cần có ba mẹ kèm cặp để hướng dẫn, nhắc nhở. Không phải học sinh nào cũng nghiêm túc và chịu khó ngồi mà không cần ba mẹ. Nếu để một mình con ngồi máy tính học sẽ không hiệu quả. Vì thế, con học mà ba mẹ cũng phải ngồi học cùng con, nếu phụ huynh bận công việc thì con sẽ rất thiệt thòi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.