Hậu Covid-19: 10 người 'chạy' thủ tục cả tháng để có visa cho 1 chuyên gia

Quý Hiên
Quý Hiên
21/07/2020 18:42 GMT+7

Tại hội nghị về thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, đại diện nhiều trường đại học đã than phiền về những khó khăn trong việc xin visa cho các chuyên gia quốc tế.

Tại hội nghị Thúc đẩy cơ hội học tập chương trình giáo dục quốc tế tại Việt Nam, do Bộ GD-ĐT và Trường đại học VinUni phối hợp tổ chức hôm nay, 21.7, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, trong khi diễn biến dịch Covid-19 trên toàn cầu diễn ra phức tạp thì Việt Nam đã và đang kiểm soát tốt dịch bệnh này. Nhờ đó, hiện nay các trường đại học của Việt Nam vẫn mở cửa đón nhận sinh viên và thực hiện các hoạt động đào tạo một cách bình thường.
Đây là dịp tốt cho các cơ sở đào tạo đại học tiếp nhận sinh viên Việt Nam đang du học tại nước ngoài về tiếp tục học tập, đồng thời cũng là cơ hội tốt để tiếp nhận sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam.

Đau đầu vì các vấn đề “hậu Covid-19”

Phát biểu tại hội nghị, đại diện các trường đại học đều đồng ý với nhận định trên, nhưng cũng cho rằng cơ hội ấy ở một góc độ nào đó vẫn mang tính… lý thuyết. Bà Dương Hồng Loan, Giám đốc Đối ngoại chiến lược, Trường đai học RMIT Việt Nam, cho rằng để đây thực sự là cơ hội cho các trường đại học Việt Nam, Bộ GD-ĐT cần phải hỗ trợ các trường giải quyết 3 vấn đề:
Thứ nhất, muốn làm được công việc cụ thể là giúp du học sinh Việt Nam ở nước ngoài khi về nước không bị gián đoạn trong việc học thì vấn đề công nhận bằng cấp, công nhận chứng chỉ của nhau giữa các trường đại học Việt Nam với trường đại học của thế giới là điều rất quan trọng.
Chính phủ cần phải “bật đèn xanh” để Bộ GD-ĐT cũng như các cơ quan kiểm định giáo dục của các nước ngồi với nhau, tổ chức được một diễn đàn công khai để bàn bạc, đưa ra giải pháp việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa Anh, Mỹ, Úc… với Việt Nam.
“Thực tế là để có một trường hợp được công nhận thì chúng ta phải rất đau đầu giải quyết”, bà Loan nói.
Vấn đề thứ 2, theo bà Loan, Bộ GD-ĐT cần làm trọng tài để xóa bỏ tình trạng nhập nhèm về các chương trình đào tạo liên kết, chương trình quốc tế,… để giúp phụ huynh và sinh viên không nhầm lẫn. Bộ GD-ĐT phải tạo ra một môi trường giáo dục đại học thông tin minh bạch, công khai, tránh thiệt thòi cho người học, khi các em đã lỡ học xong một chương trình chất lượng không tương xứng với chi phí đã bỏ ra.
Thứ 3, một khó khăn lớn mà những trường đại học trực tiếp tham gia xử lý vấn đề “hậu Covid-19” hiện nay đang phải đối mặt là xin visa và lo thủ tục nhập cảnh cho giảng viên quốc tế. Nhiều tháng trước đây, do dịch Covid-19, nhiều giảng viên quốc tế đã phải về nước và giờ đây việc quay lại Việt Nam làm việc vào thời điểm này của họ là gần như không thể.
“Mặc dù Thủ tướng nói là tạo điều kiện về visa để cho các chuyên gia vào, nhưng để được 1 người vào có lẽ là cần 1 tháng, với khoảng 10 người làm việc liên tục với các cơ quan bộ ngành, với chính quyền các thành phố, với sở y tế, với cả y tế phường… Với việc xin visa chẳng hạn, chủ trương của Bộ Công an thì rất ủng hộ, nhưng xuống đến phòng quản lý xuất nhập cảnh các thành phổ thì họ không giải quyết. Rất mong bộ trưởng (Bộ Công an - PV) có tiếng nói về vấn đề này khi họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19”, bà Loan kiến nghị.
Bà Loan cũng cho biết thêm, RMIT Việt Nam không chỉ gặp khó khăn trong việc xin visa và làm thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia quốc tế đến trường làm việc, mà còn đau đầu với việc sinh viên trường mình đang mắc kẹt ở nước ngoài.
Các em thuộc diện ra nước ngoài học tập trao đổi ngắn hạn. Dù đã kết thúc học kỳ trao đổi, nhưng các em phải xếp hàng chờ 3 tháng nay mà vẫn không thể về nước. "Chủ trương thì có, nhưng thực tế, để các em về được là rất khó. Các em vừa phải chịu rất nhiều tốn kém do phải kéo dài thời gian lưu trú ở nước ngoài, vừa sống trong nỗi lo nơm nớp “, bà Loan chia sẻ.

Cùng nhau vượt qua khó khăn trước mắt

Đại diện các trường đại học khác cũng đồng tình với các phát biểu trên của bà Loan. PGS Lê Quang Sơn, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng, cho biết vì là đại học vùng, nên mỗi khi xin visa cho 1 sinh viên quốc tế, đại học này lại phải gửi hồ sơ ra Hà Nội và chờ đợi rất lâu. Hiện Đại học Đà Nẵng có 900 sinh viên quốc tế, nhưng mới đưa được 300 sinh viên Lào sang, số còn lại vẫn đang mắc kẹt.
Ngoài ra, các cơ sở đáo tạo còn rất mất thời gian trong việc xin phép tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế. “Chúng tôi là đại học vùng, liệu có thể được ủy quyền để quyết định trước rồi báo cáo sau không? Cứ như hiện nay, mỗi lần tổ chức hội thảo, hay seminar thì chúng tôi lại phải ra Hà Nội xin phép, hoặc phải xin phép qua chính quyền địa phương, thủ tục rất lâu”, PGS Sơn dẫn chứng.  
Tai hội thảo, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT ghi nhận các khó khăn này, và sẽ làm đầu mối tập hợp thông tin để đề xuất với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 tìm hướng tháo gỡ khó khăn.
“Thay vì các trường giải quyết lẻ tẻ, thì chúng ta tập trung vào một đầu mối, tôi sẽ đề xuất để tìm cách đưa giảng viên nước ngoài vào, để các trường đại học sớm ổn định việc giảng dạy, nghiên cứu. Trong khi chờ đợi thì chúng ta tổ chức làm việc online, phải cùng nhau xử lý tình huống trước mắt. Phải khắc phục khó khăn, không ngồi chơi chờ đợi”, ông Nhạ nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.