Học phí trường đại học công lập tự chủ: Cao thấp do đâu?

GS-TS Nguyễn Thị Cành
GS-TS Nguyễn Thị Cành
02/12/2020 12:09 GMT+7

Dù tự chủ, các trường công lập vẫn được nhà nước tài trợ nên mức học phí sẽ thấp hơn các trường tư.

Mức độ cách biệt học phí tùy vào từng ngành nghề, mức đầu tư của nhà nước, các nguồn thu, nguồn tài trợ khác cũng như chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo.
Theo Điều 65 của luật Giáo dục đại học sửa đổi, cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ được xác định mức thu học phí và việc này phải căn cứ vào định mức kinh tế-kỹ thuật theo lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo. Vậy làm sao để xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật và xác định lộ trình tính đúng tính đủ chi phí đào tạo?
Gia tăng học phí được xem như một giải pháp chủ yếu nhằm chia sẻ chi phí giáo dục. Tài chính dành cho giáo dục nghề nghiệp của các nước đang phát triển như Việt Nam đối mặt với rất nhiều thách thức và khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ đều sử dụng phương thức cùng “chia sẻ chi phí” (cost sharing) giữa chính phủ và người học. Dù chuyển qua tự chủ, các trường công lập vẫn được nhà nước tài trợ nên mức học phí sẽ thấp hơn học phí ở các trường tư, mức độ cách biệt học phí tùy vào từng ngành nghề và mức đầu tư của nhà nước, các nguồn thu, nguồn tài trợ khác cũng như chất lượng đầu ra của chương trình đào tạo. Các trường sẽ đưa ra mức học phí cạnh tranh và cam kết các điều kiện dạy và học cũng như chất lượng đầu ra với người học (trách nhiệm giải trình).

Thu của trường đại học công lập gồm thu tài trợ từ ngân sách nhà nước, từ hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của trường, từ nguồn khác và từ học phí

Đào Ngọc Thạch

Khi tính giá, mức học phí hay xây dựng định mức kinh tế-kỹ thuật cho chi phí trên một đơn vị sinh viên, trường cần tính đến tổng thu và tổng chi cùng với số lượng sinh viên của trường. Nếu thu và chi bằng nhau thì trường sẽ hòa vốn. Chi của trường đại học bao gồm chi phí cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của trường, chi cho đầu tư và hoạt động của trường, chi phí khấu hao hoặc chi sửa chữa lớn...
Thu của trường đại học công lập gồm thu tài trợ từ ngân sách nhà nước, thu từ hoạt động nghiên cứu và dịch vụ của trường, thu từ nguồn khác (tài trợ từ doanh nghiệp, cựu sinh viên), và thu từ học phí của người học.
Như vậy, học phí cao hay thấp sẽ phụ thuộc vào chi phí đầu tư đầu vào tương ứng với kết quả chất lượng đầu ra cao hay thấp, cũng như tỷ lệ các nguồn tài trợ cho trường công lập tự chủ như thế nào. Nếu cần chất lượng đầu ra tốt trường phải tăng chi đầu tư trên một sinh viên lớn hơn và nếu nguồn thu tài trợ từ ngân sách nhà nước bị cắt giảm, nguồn tài trợ khác không có, học phí đảm bảo cho mức hòa vốn của trường sẽ phải cao. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm quốc tế, những trường đại học có thương hiệu, có uy tín có thể tạo được các nguồn thu khác, như thu từ nghiên cứu khoa học và dịch vụ, nhận tài trợ từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên sẽ thay thế cho phần tài trợ từ ngân sách bị cắt giảm. Trường có nhiều nguồn tài trợ, và tỷ trọng nguồn tài trợ trong tổng thu càng lớn, mức học phí sẽ càng thấp và ngược lại.
Để phát triển bền vững, ngoài đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, các trường còn phải thực hiện trách nhiệm xã hội là có chính sách giảm học phí cho sinh viên nghèo, sinh viên vùng sâu, vùng xa.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn và đại dịch Covid-19, các trường cũng cần tính đến lộ trình tăng học phí đi kèm với trách nhiệm công bố giải trình, cũng như cam kết tăng chất lượng đào tạo như thế nào cho người học biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.