Học thật, thực hành thật, cứu mình và cứu người thật

16/05/2021 15:49 GMT+7

Lời chia sẻ của hai thầy trò lớp 6 ở Quảng Bình cứu người chết đuối đã phản ánh một tình huống thực tế trong nhà trường phổ thông hiện nay: Học thật, thực hành thật, cứu mình và cứu người thật!

Giữa tin tức căng thẳng về cuộc chiến chống dịch bệnh, câu chuyện về cậu học sinh lớp 6 ở Quảng Bình nhanh trí cứu thanh niên 22 tuổi bị đuối nước như cơn gió mát lành xoa đi cái oi nóng của thời tiết lẫn lòng người.
Đó là Mai Hải Đăng, học sinh lớp 6A Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 1 Kim Thủy, H.Lệ Thủy. Chiều 12-5, Đăng cùng anh trai đi tắm ở khu vực khe Chu Kê (bản Chuôn, xã Kim Thủy) thì phát hiện anh Lê Bá S. bị đuối nước.

Cứu người nhờ được học kỹ năng 

Anh trai Đăng chạy về bản báo tin kêu cứu còn Đăng dũng cảm lao ra giữa dòng nước dìu anh S. vào mố chân cầu, hô hấp nhân tạo, dùng tay ấn bụng cho nôn nước ra vừa kịp lúc mọi người đến đưa đi cấp cứu.
Hành động gan dạ của cậu bé tuổi 12 nhận được cơn mưa lời khen từ cộng đồng mạng. Sự mưu trí, kỹ năng cứu người đuối nước và sơ cấp cứu của con trẻ càng được ngưỡng mộ hơn nữa khi chúng ta được biết việc dạy kỹ năng sống đã được chú trọng rất nhiều ở ngôi trường mà Đăng theo học.
Thầy giáo dạy bơi Đỗ Trung Quảng (Bí thư Chi đoàn, Tổng phụ trách Đội), tâm sự: “Trước đây chưa có bể bơi thì chúng tôi dạy lý thuyết và tuyên truyền; dạy chính khóa vào tiết thể dục, đồng thời tổ chức các buổi ngoại khóa về cách cứu người bị đuối nước. Hai năm trở lại đây, trường có bể bơi nên dạy thực hành nhiều hơn”.
Còn Đăng đã cảm ơn thầy giáo dạy bơi của mình khi thầy đến thăm. “Nhờ thầy đã dạy em kỹ thuật cứu đuối và cách cứu người bị đuối nước ạ”, Đăng khiêm tốn nói.

Mai Hải Đăng được khen vì hành động dũng cảm cứu người

L.Q

Trường học cần dạy học sinh tự cứu mình và cứu người 

Lời chia sẻ của hai thầy trò đã phản ánh một tình huống thực tế cũng là giấc mơ trong nhà trường phổ thông hiện nay: Học thật, thực hành thật, cứu mình và cứu người thật!
Bao lâu nay ngành giáo vẫn nói nhiều về việc tăng cường dạy kỹ năng sống cho học sinh. Nhưng thực tế thì sao? Các bài học kỹ năng lồng ghép trong chương trình chính khóa còn nặng về lý thuyết. Các buổi ngoại khóa, chuyên đề về kỹ năng phòng tránh cháy nổ, nguy cơ đuối nước và hiểm họa tai nạn giao thông… còn khá hiếm hoi mới được tổ chức bài bản trong nhà trường.
Việc ứng dụng thực hành các kỹ năng an toàn phòng chống tai nạn thương tích hầu như chỉ tập trung ở một số trường học tại các thành phố lớn có đầu tư bài bản về nhân lực, vật lực. Ngay đến câu chuyện phổ cập bơi lội đã cân đo đong đếm và luận bàn mãi vẫn chưa thể thành hiện thực bởi vướng nhiều thứ: thiếu kinh phí, thiếu người dạy, thiếu bể bơi…
Đuối nước cùng nhiều vụ tai nạn thương tích đã cướp mất biết bao sinh mệnh trẻ em mỗi năm khiến lòng người chới với. Trẻ em đến trường học vô số thứ nhưng điều căn bản nhất, thiết thực nhất chính là học cách tự cứu mình và cứu người khỏi hiểm nguy rình rập lại hao khuyết đến nhói lòng.
Lòng dũng cảm ai cũng có, tình yêu thương giữa người và người luôn được nuôi dưỡng trong trái tim mỗi người. Chỉ có điều không phải ai cũng được trang bị đủ đầy kỹ năng ứng cứu và sơ cứu để lao ra dòng nước cứu người, vừa giữ được tính mạng vừa đem lại sự sống diệu kỳ cho người khác.
Bởi vậy nên câu chuyện của cậu  Mai Hải Đăng hôm nay khiến bao người phải giật mình nhìn lại cách giáo dục lòng dũng cảm, trang bị kỹ năng sống và thực hành ứng dụng kỹ năng đó vào thực tế.
Bao giờ kỹ năng sống được học thật, thực hành thật thì mới gặt hái được “quả ngọt”: cứu mình và cứu người thật!
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.