Nguyễn Tuấn Khang, học sinh lớp 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh (Q.Tân Phú, TP.HCM) sáng nay háo hức tới trường dự lễ khai giảng năm học mới. Ở ngoài cổng trường, mẹ Khang - chị Ngô Thu Uyên - đứng chờ con kết thúc lễ để đón về, cho biết: “Năm nay cu cậu chuẩn bị chuyển cấp rồi. Gia đình muốn cháu thi vào Trường chuyên Trần Đại Nghĩa nên cũng cho con đi học thêm, luyện thi từ hè năm lớp 3. Đặt mục tiêu như vậy rồi nên cả nhà cũng khá kỳ vọng”.
Chính vì thế, sau khi học ở trường, buổi tối Khang sẽ đi học thêm tiếng Anh ở trung tâm. Môn toán và luyện thi thì gia đình chị Uyên mời giáo viên tới nhà dạy. Khi được hỏi “con muốn năm học mới này sẽ thế nào”, Khang hồn nhiên đáp: “Con chỉ muốn thời gian học ít đi và được chơi nhiều hơn, không phải học thêm nhiều. Ước gì được chơi nhiều mà con vẫn đậu vào trường mà ba mẹ con mong muốn”.
Trong khi đó, Nguyễn Bảo Ân, học sinh lớp 9, Trường THCS Hiệp Phước (Nhơn Trạch, Đồng Nai) cũng mong muốn năm học mới mình không bị “bốc hỏa” vì học tập. Ngân cho biết: “Em thấy chương trình học hơi nặng nên phải học thêm nhiều. Ước gì năm nay chương trình học nhẹ nhàng hơn. Nhưng em biết đó chỉ là điều ước thôi vì cuối năm tụi em phải thi vào lớp 10. Chắc thời gian học còn căng thẳng hơn năm ngoái”.
Ân cho biết bạn bè của mình cũng khá căng thẳng vì phải đi học thêm nhiều. “Dù học lực em xếp thứ 2 ở lớp nhưng nhiều lúc em cũng muốn 'bốc hỏa' vì phải học quá nhiều”, Ân chia sẻ thêm.
Với Phan Duy Thành, học lớp 4 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, Q.Tân Phú, TP.HCM, điều ước của cậu học trò nhỏ này cũng rất đơn giản và trong sáng, đó là: “Ước có nhiều trò chơi thú vị để chơi mỗi lần tới lớp. Ước được cô cho xuống dưới sân trường nhiều hơn vì chơi trong lớp hơi chán. Ước giờ chơi lâu hơn để được chạy nhảy thỏa thích”. Được biết, lớp học của Thành ở lầu 2, mỗi lần ra chơi vì cô sợ học trò chạy xuống cầu thang dễ té nên không khuyến khích các bé chơi ở dưới sân trường.
Nhóm của Xuân Anh, lớp 7 Trường THCS Đồng Khởi, Q.Tân Phú, TP.HCM trong ngày khai giảng năm học mới cũng cho biết mong muốn trong năm học này là “học ít hơn, được chơi nhiều hơn”. Xuân Anh chia sẻ: “Chị gái em học rất giỏi, nên ba mẹ lúc nào cũng muốn em phải học giỏi như chị. Em cảm thấy hơi áp lực vì học nhiều mà vẫn không được như mong muốn. Mấy người bạn trong nhóm của em cũng đều đi học thêm tối ngày vì sợ điểm thấp ba mẹ buồn. Thi thoảng mẹ em hay kể ngày xưa thời mẹ đi học chỉ phải học một buổi, còn lại là được vui chơi thoải mái. Em ước gì được như thế”.
Bình luận (1)
Bé nhà tôi học lớp 1, bé nói với bố mẹ, con mong được chơi nhiều hơn, học ít lại, chơi 30p, học chỉ 20p thôi. Rồi bé thích học ở một ngôi trường có nhiều cây xanh, rộng rãi, có nhiều khu vực để chơi thể thao. Thực tế cuộc sống chúng ta thấy việc học và học giỏi ở trường lớp không quyết định tất cả. Thế giới tự nhiên là sự đa dạng, chúng ta đang tạo ra một khuôn khổ chung cho tất cả là không đúng. Khuôn khổ không phải điều xấu, nhưng chỉ nên là phần căn bản, không nên đòi hỏi tất cả trẻ em đều phải dành phần lớn thời gian cho việc học hành, sách vở. Giáo dục phổ thông chỉ nên dừng lại ở phổ cập kiến thức nền, căn bản, thay vì bắt các em phải học tập quá nhiều kiến thức mà phần lớn chưa chắc đã sử dụng đến trong cuộc sống. Trong khi có nhiều kiến thức cần thiết khác, rất thực tế và phù hợp với những nhu cầu hiện tại thì không được học, những kiến thức này các cháu hoàn toàn có thể tự tìm hiểu và hoặc theo học ở các lớp, các câu lạc bộ bên ngoài theo sở thích, thiên hướng, năng khiếu của mỗi bé. Chúng ta đang có một nền giáo dục nặng nề, không hiệu quả và đang lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Các bé là mầm non, có rất nhiều thứ chưa biết, chưa hiểu, nên các bé rất háo hứng và tò mò tìm hiểu, từ các môn chơi phổ biến như bóng đá, rồi việc tiêu tiền. Chỉ qua các cuốn sách, việc nói chuyện và trả lời nghiêm túc, rõ ràng các câu hỏi của con, rồi hướng dẫn con tự tìm hiểu, tôi thấy bé rất thích hỏi và lắng nghe, rồi thích thú chia sẻ lại những thông tin, những điều bé biết từ những cuốn sách. Chỉ bằng cách vậy thôi bé đã tìm hiểu và biết thêm rất nhiều. Giáo dục phổ thông cần được thu gọn lại và để cho các bé có nhiều khoảng trống về thời gian để các bé có thể chơi, khám phá và tự tìm hiểu những điều bé quan tâm