Khăn gói vào bản đưa trò ra lớp

Mạnh Cường
Mạnh Cường
06/09/2019 09:03 GMT+7

Băng rừng, lội suối tìm về những thôn bản xa nhất rồi gõ cửa từng nhà, thậm chí lên tận rẫy để đưa học trò ra lại lớp ... là công việc thường xuyên mà mỗi giáo viên cắm bản ở huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam) phải làm khi năm học mới đến.

Cứ đến ngày tựu trường, các thầy cô giáo cắm bản ở điểm trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn H.Nam Trà My lại chia nhau tìm về các bản làng để vận động đưa học trò ra lớp. Thầy đi tìm trò gần như là một “cuộc chiến” không bao giờ có hồi kết. Không chỉ đầu năm học, mà sau Tết Nguyên đán hay ngay cả giữa năm học, học sinh bỏ lớp "trốn" về nhà vẫn thường xuyên xảy ra. Mỗi lần như vậy, sau một hai ngày không thấy trò ra lớp, thầy cô giáo lại khăn gói băng rừng lội suối gõ cửa tận nhà...
15 năm cắm bản gieo chữ, thầy Lê Thế Hoàng (giáo viên chủ nhiệm lớp ghép 1 và 2 của điểm Trường Tăk Ta - Mang Liệt) hầu như năm nào cũng vất vả tìm trò.
Có điều, không phải lúc nào cũng gõ cửa thành công. Như gặp lúc làng có người mất, có tục lệ 7 ngày không một ai bước ra khỏi làng. Khi ấy, thầy cô thuyết phục kiểu gì cũng không "lay chuyển" được phụ huynh, đành phải quay về chờ hết thời hạn kiêng cữ. Vào mùa, khi học trò trốn theo cha mẹ lên rẫy, thầy cô lại nhờ người dẫn đường. “Nhiều em khi thoáng thấy bóng dáng thầy cô đã trốn biệt vào rừng, vì sợ phải đi học. Có khi phụ huynh đồng ý rồi, nhưng thầy cô về lại lớp chờ mãi 2 - 3 ngày sau cũng không thấy trò đâu, lại phải khăn gói vào bản”, thầy Hoàng chia sẻ.
Cũng có hơn 16 năm cắm bản, cô giáo Nguyễn Thị Kim Thái (Trường mầm non Họa My, xã Trà Vân, H.Nam Trà My) nói thầy tìm trò trước mùa khai giảng là chuyện thường tình ở vùng cao. Các bản gần trung tâm xã thì có thể đi xe máy vào tận nơi, những bản làng xa và cách trở thì thầy cô phải lội bộ hàng chục cây số. Cô Thái kể, nhiều khi phụ huynh không hợp tác, họ nại đủ lý do hoặc nói dối, đưa con đi "giấu" nhà người khác, hoặc đưa lên rẫy. Những lúc như vậy, các cô phải ở lại bản, xin tá túc đâu đó để thuyết phục. “Ở lại một đêm không thuyết phục được thì xin ở lại thêm đêm nữa. Vì thấy cô ở lâu, có phụ huynh quay ra phàn nàn: Cô giáo gì mà... lì lợm (!). Vì không chịu được sự "lì lợm" của cô, cuối cùng phụ huynh đành phải cho con ra lớp”, cô Thái cười nói.
Cô Nguyễn Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Họa My, cho biết năm học 2019 - 2020, toàn trường có tất cả 225 cháu đều là người đồng bào Ca Dong. Nhiều năm qua, thầy cô vất vả động viên học trò theo đuổi chuyện học đã thành nếp, hễ thấy vắng trò là khăn gói vào bản vận động.
“Thầy cô đảm nhiệm học trò ở nóc, bản nào thì sẽ được phân công đi vận động học trò ở nơi đó. Chủ yếu đi vận động vào ban đêm là chính, vì còn canh chừng thời điểm phụ huynh đi rẫy về. Dù vất vả nhưng chưa hề có thầy cô giáo nào kêu ca. Tất cả cũng vì tình yêu dành cho trò”, cô Huệ khẳng định.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.