Gieo chữ trong rừng Mã Đà

07/01/2017 09:01 GMT+7

Họ là những giáo viên đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng có chung nhiệt huyết tuổi trẻ, lòng yêu nghề, đặc biệt tình yêu thương đối với học trò nghèo nơi 'thâm sơn cùng cốc'.

Đất lạ níu bàn chân quen
Giữa cái nắng nóng như đổ lửa trong lớp học được dựng bằng tôn nằm lọt thỏm trong rừng Mã Đà (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai), cô giáo trẻ Trần Thị Thu Lệ (27 tuổi) gạt những giọt mồ hôi lấm lem trên trán, chỉ cho từng học sinh (HS) giải bài tập toán. Đã gần 12 giờ trưa, trong khi lớp học tan từ 10 giờ 35 nhưng cô Lệ vẫn nán lại để phụ đạo cho những em học lực yếu. Phần lớn những HS này là con em Việt kiều phiêu dạt từ Biển Hồ (Campuchia) về Mã Đà (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) để mưu sinh. Cuộc sống gia đình lênh đênh trên bè khiến các em bị hổng kiến thức từ nhỏ nên khi vào lớp hòa nhập rất khó khăn.
Cô Lệ về điểm trường C3 (thuộc Trường tiểu học - THCS Mã Đà) đến nay đã tròn 3 năm. Tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, cô giáo quê Quảng Nam một mình khăn gói xuống Đồng Nai tham gia đứng lớp trong rừng Mã Đà từ năm 2013 đến nay. “Thời gian đầu em cũng nản vì ở đây rất buồn. Ngoài những lúc lên lớp, thời gian còn lại chỉ biết vùi đầu vào giáo án, soạn bài giảng chứ không biết đi đâu, làm gì. Xung quanh là rừng âm u, đêm điện không có, chỉ có tiếng gió rừng vi vu”, cô Lệ chia sẻ. Nhưng rồi thấy các em HS chân chất dễ thương, cộng với tình yêu rừng ngày càng lớn dần đã níu chân Lệ ở lại.

Cùng hoàn cảnh như cô Lệ, thầy giáo Hoàng Minh Chiểu và Nguyễn Văn Huy (điểm trường Suối Tượng) đã đến với HS Mã Đà. Thầy Chiểu năm nay 32 tuổi, từ Sơn La một mình vào Mã Đà cắm bản. Còn thầy Huy (quê Hà Tĩnh) 24 tuổi. Lớp học của thầy Chiểu và thầy Huy phần lớn là con em Việt kiều từ Campuchia về.
Trẻ nhất là cô Nguyễn Thị Thủy, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường ĐH Đồng Nai thì về “đầu quân” ở Mã Đà. Hằng ngày đi dạy, Thủy chạy xe máy hơn 25 cây số đường rừng để về phòng trọ. Thủy cho biết lương bình quân mỗi tháng của các thầy cô ở đây chỉ từ 3 - 4 triệu đồng/người. Những giáo viên trẻ như Thủy ngoài lương cơ bản, phụ cấp đứng lớp thì không có thêm bất cứ khoản thu nhập nào nữa.
Thắp nến soạn giáo án
Men theo con đường rừng ngoằn ngoèo, chúng tôi theo chân thầy Trần Hồng Phúc, Tổng phụ trách đội của Trường tiểu học - THCS Mã Đà và thầy Huy về điểm trường C3. Tại đây nhà trường bố trí 2 phòng nội trú cho các thầy cô giáo trẻ ở lại. Gọi là nhà công vụ giáo viên nhưng bên trong chỉ kê hai chiếc giường, một chiếc tủ sắt và 2 chiếc bàn HS ghép lại để làm nơi soạn giáo án và sinh hoạt. Vừa trở về phòng, thầy Huy gác tập giáo án lên tủ và hì hục vặn cái bếp ga cũ kỹ để nấu cơm trưa. Buổi tối, sau khi cơm nước xong, thầy Huy, cô Lệ, thầy Chiểu, cô Thủy... thắp nến hoặc đèn dầu để soạn giáo án.

Từ ngày lớp học được một số tổ chức từ thiện tài trợ mấy tấm pin năng lượng mặt trời, phòng trọ của thầy cô và mỗi lớp học có thêm 1 cái quạt, 2 cái bóng điện thắp sáng nhưng nguồn điện cũng chập chờn vì phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Mùa mưa thì coi như vô phương. Đèn dầu, nến vẫn là chính. Điện không có, ti vi cũng không, sóng điện thoại chập chờn nên việc liên lạc từ các điểm trường trong rừng với bên ngoài là hết sức khó khăn.
Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Mã Đà, cho biết Trường Mã Đà hiện có tổng cộng 815 HS. Toàn bộ HS cấp THCS học tập trung ở điểm trường chính. Còn tiểu học, ngoài cơ sở chính còn có tới 4 điểm trường nằm sâu trong rừng, cách cơ sở chính 20 - 25 cây số. “Ngoài ra còn có hơn 100 HS là con em Việt kiều từ Campuchia về. Những HS này tuy không có giấy khai sinh, không hộ khẩu, giấy tờ tùy thân nhưng vẫn được nhà trường tạo điều kiện, vận động đến lớp để các em biết chữ”, cô Tuyền nói.
Từ ấp Suối Tượng nhìn ra 4 phương, ngút tầm mắt đều là rừng bạt ngàn. Những “ngọn lửa tuổi trẻ” như thầy Chiểu, thầy Huy, cô Thủy, cô Lệ, cô Tuyền... đã thổi bùng trong lòng học trò nghèo Mã Đà - những đứa trẻ sinh ra từ rừng và lớn lên cùng rừng khát vọng đổi thay, làm cho cuộc sống nơi đây dường như ấm áp hơn khi mùa xuân về.

Cần thiết duy trì các điểm trường trong rừng
Xã Mã Đà có diện tích khoảng 10.000 ha nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai rộng trên 40.000 ha. Toàn xã có hơn 2.200 hộ với gần 10.000 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 80%) với cây trồng chủ lực là xoài. Cái khó nhất hiện nay của địa phương, theo ông Trần Đức Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mã Đà, là còn nhiều ấp chưa có điện, giao thông đi lại khó khăn (khoảng cách từ đầu xã đến cuối xã 30 - 40 km đường rừng). “Việc duy trì các điểm trường trong rừng là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các em có được ánh sáng tri thức, góp phần tạo lập một tương lai sáng sủa hơn”, ông Sơn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.