Táo bạo trong cách nghĩ, cách làm, một cô giáo đã vực dậy một ngôi trường mầm non xốc xếch, xuống cấp, không ai dám gửi con trở thành một ngôi trường điểm trên địa bàn.
Cô Trâm cùng học trò Trường MN Bình Minh Ảnh: DIỆU HIỀN
Nếu đến Trường mầm non công lập Bình Minh (P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, Đà Nẵng) nhiều năm trước, sẽ rất khó hình dung đó là một ngôi trường mầm non, bởi sự vắng lặng, hoang tàn của ngôi trường.
Và dù học phí thấp hơn so với các trường tư, nhưng năm nào, trường cũng chỉ tuyển được 1/5 số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn theo học tại trường, chỉ có 50-60 trẻ. Phụ huynh gửi trẻ chỉ do chẳng đặng đừng, vì gần nhà đưa đón cho tiện, nhưng tâm lý thì luôn phập phồng lo lắng.
Thế nhưng, từ năm học 2011-2012, mọi việc đã đổi khác.
Câu chuyện của cô hiệu trưởng giàu tâm huyết
Chăm chút cho trẻ từng nét vẽ Ảnh: DIỆU HIỀN
“Khi tôi nghe thông tin được phân về làm hiệu trưởng tại Trường MN Bình Minh, là lúc tôi đang là một hiệu phó của một ngôi trường mầm non chuẩn quốc gia ở trung tâm tâm thành phố. Nghe thông tin, tôi nhờ chồng chở xuống xem trường. Khi vừa thấy trường tôi đã bủn rủn, rụng rời.
Tôi không nghĩ đó là trường, bởi khi đứng trước cổng trường, không nghe tiếng trẻ con khóc, cười, ê a như những ngôi trường mầm non khác. Xung quanh thì người dân phơi áo quần lên hàng rào trường nhếch nhác vô cùng. Khi tôi bước vào trường, thì cảm thấy không khí lạnh lẽo. Sân trường thì không có chỗ chơi cho trẻ, sàn nhà phòng học thì bong tróc… Những đứa trẻ tôi gặp thì buồn bã… Nhà vệ sinh cho trẻ thì bẩn thỉu, cũ kỹ…”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm nhớ lại.
Nếu không có các thầy cô giáo Trường THPT Vĩnh Linh (Quảng Trị), đặc biệt là cô hiệu phó Lê Thị Chí, có lẽ cô học trò tên Tiên ấy đã bỏ học và phải ra đời sớm...
Cô Trâm tâm sự, lúc ấy chỉ muốn bỏ của chạy lấy người vì quá sốc. Nhưng sau khi về nhà, qua một đêm suy nghĩ, cô Trâm quyết định nhận lời về trường, sau lời hứa của chồng sẽ hỗ trợ cô về mặt thời gian.
Ngày 17.11.2011, cô chính thức về làm Hiệu trưởng Trường MN Bình Minh. Suốt 1 tuần đầu nhậm chức, cô không bước chân vào phòng Hiệu trưởng, mà cầm sổ đến gặp từng giáo viên, từng phụ huynh và người dân ở khu vực xung quanh trường để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Một điều oái ăm mà cô vấp phải, là nhiều người dân ở gần trường, nhưng không hề biết đó là một ngôi trường mầm non.
Sau khi tìm hiểu tâm tư, cô Trâm bắt tay vào tìm hiểu việc sửa chữa ngôi trường. Nhưng, đã giữa năm nên kinh phí không có. Cô gõ cửa phường, rồi quận để xin nhưng đều không có kinh phí. Cô nghĩ ra cách vận động giáo viên trong trường. Nhưng dường như lúc đó ai cũng không tin cô sẽ vực dậy nổi ngôi trường, nên đều im lặng sau lời vận động của cô hiệu trưởng. Bí bách, cô về nhà lén chồng lấy sổ tiết kiệm mà vợ chồng cô tằn tiện dành dụm được 70 triệu đồng, mang đi cho trường mượn trước, rồi sẽ trả sau. Cô xin phường bảo lãnh kinh phí thi công, còn tiền tiết kiệm cô mua nguyên vật liệu để sửa chữa lại toàn bộ nền các phòng học và sân trường để kịp đón trẻ vào đầu tháng 9.
Nhớ ơn thầy giáo cũ đã hết lòng dạy học toán, hơn 14 năm sau, cô học trò đã tình nguyện hiến gan giúp thầy vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Và bằng khả năng trang trí, cô Trâm cùng các giáo viên dùng những sản phẩm tự làm bằng thủ công để trang trí lại ngôi trường cho thêm phần giống trường mầm non. Nhờ việc sửa chữa đó, nhiều phụ huynh đã biết đến trường và tự mang con đến gửi, thay vì phải đi vận động như trước đây. Sau đó hai năm, trường đã trở thành trường đạt chuẩn quốc gia.
Phụ huynh ở các địa phương khác cũng đến xin cho con theo học tại trường - đó là điều không tưởng đối với trước đây.
Đột phá trong thay đổi thói quen của đội ngũ giáo viên
Niềm vui của học trò Trường MN Bình Minh Ảnh: DIỆU HIỀN
Giáo viên của trường khi cô Trâm về đa phần là giáo viên lớn tuổi, tuổi bình quân là 46 tuổi, nên thói quen của cách dạy học cũ vẫn còn. Cô Trâm đã ngay lập tức thay đổi suy nghĩ của giáo viên bằng việc cho họ lựa chọn, một là chỉ làm cầm chừng như trước đây, hay cùng “chạy” với cô để thay đổi. Và các cô giáo đồng ý “chạy”.
Cùng với việc thay đổi tâm lý giáo viên, cô cũng gõ cửa xin giáo viên mầm non trẻ có trình độ đại học về trường. Cứ một cô trẻ và một cô giáo lớn tuổi cùng nhau dạy một lớp, bổ sung cho nhau.
Trước mỗi đầu năm học, cô Trâm buộc giáo viên ký cam kết không bạo hành trẻ. “Nếu có lỡ thiếu kềm chế đánh trẻ một roi, thì ngay trong ngày báo cho phụ huynh biết, đừng để việc khuất tất trở thành nỗi bức xúc cho phụ huynh”, cô Trâm căn dặn giáo viên. Và mỗi khi xảy ra những vụ bạo hành trẻ ở các trường học khác bị phản ánh trên báo chí, cô Trâm đều đưa ra trong những cuộc họp để giáo viên bàn luận, coi như bài học kinh nghiệm cho chính mình.
“Với tôi, mỗi trẻ đến trường mỗi ngày là một ngày vui, nên song song với việc học, tôi chú trọng phát triển kỹ năng cho trẻ ở độ tuổi này là rất quan trọng, nên tôi đi học tập những trường khác, bất kể công hay tư, miễn thấy có lợi cho trẻ là áp dụng. Ngay cả giờ ra về trẻ cũng được chơi, chứ không phải ngồi thụ động chờ phụ huynh đến đón”, cô Trâm nói.
Ở Trường MN Bình Minh, trẻ 15 tháng tuổi đã biết tự vào lớp, tự cởi giày dép, tự mặc áo quần, tự ăn và biết kỹ năng đi trên đường phố…
Học trò đến giờ tan trường vẫn quyến luyến cô giáo không muốn về Ảnh: DIỆU HIỀN
Một điểm đáng quý nữa ở Trường MN Bình Minh là mỗi năm trường đều nhận vào 5 trẻ khuyết tật học hòa nhập, và các trẻ này tiến bộ mỗi ngày.
Từ chỉ 50-60 trẻ mỗi năm học, năm học 2016-2017, Trường MN Bình Minh đã tuyển sinh hơn 300 trẻ, và đang xin xây dựng thêm 2 phòng học để tiếp tục đáp ứng nhu cầu của phụ huynh trên địa bàn.
Giáo viên của trường từ việc bị động trong công tác dạy học, đã thoải mái sáng tạo, và không ngừng đạt được những giải thưởng cao trong các cuộc thi sáng tạo, dạy học… của thành phố. Và bản thân cô Trâm và giáo viên trường cũng đạt được giải Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc với sản phẩm khu vui chơi cho trẻ trong sân trường từ những vật phẩm tái chế như vỏ lốp xe… Sản phẩm này cũng đoạt được giải nhất cấp thành phố.
Năm học 2016-2017, ngành GD-ĐT Đà Nẵng có 8 chiến sĩ thi đua cấp thành phố, thì trường MN Bình Minh có đến 2 người được nhận danh hiệu này, trong đó có cô Nguyễn Quốc Thư Trâm.
Sân chơi trong khuôn viên trường được dùng từ vật liệu tái chế, đã mang đến nhiều giải thưởng cho trường. Nhiều trường học các nơi cũng về học tập mô hình Ảnh: DIỆU HIỀN
“Trước đây đứa đầu tôi gửi con cho trường tư thục ở cách nhà 5-6km, vì lúc ấy trường này quá nhếch nhác, không ai dám gửi. Nhưng sau khi cô Trâm về, mọi thứ đổi khác. Con tôi giờ thích đi học lắm, sáng mở mắt đã hào hứng “Mẹ ơi, con đi học”, mỗi chiều đến đón, cháu về đều xin mẹ ở lại để chơi thêm với cô! Trẻ con nhạy cảm, nên tôi nghĩ các cô đã đối xử với cháu yêu thương nên các cháu đã yêu thương lại! Tôi thực sự an tâm!”, chị Lê Thị Thúy Hằng (trú P.Thuận Phước) có con theo học tại Trường MN Bình Minh tâm sự.
“Mỗi ngày nhìn đứa con tinh thần của mình một lớn lên, thật không có hạnh phúc nào bằng. Ngôi trường bây giờ đã khang trang, sạch sẽ, các em học sinh đều yêu thích đến trường, giáo viên đã cùng đồng lòng đồng cam cộng khổ cùng ban giám hiệu… Đó là hạnh phúc mà tôi được nhận từ sự nỗ lực của mình!”, dẫn PV đi tham quan ngôi trường, cô Trâm xúc động chia sẻ.
Đau lòng trước tình trạng học sinh (HS) chết vì đuối nước, thầy giáo Ngô Minh Thanh (chuyên viên Phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT Nghệ An) đã tự tạo bể bơi di động, với kinh phí chỉ hơn 10 triệu đồng.
Bình luận (0)