Làm sao bảo vệ con em thoát khỏi 'yêu râu xanh'?

15/03/2017 14:01 GMT+7

Để dạy cũng như có thể bảo vệ con em thoát khỏi những câu chuyện đau lòng trong vấn nạn xâm hại tình dục là điều không phải phụ huynh nào cũng biết.

Hậu quả đau lòng kéo dài
Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hữu Long (Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM), cho biết khi trẻ bị xâm hại, lạm dụng tình dục thì dẫn đến rất nhiều hậu quả đau đớn. “Thứ nhất là trẻ sẽ bị tổn thương cơ quan sinh sản, nếu nhẹ là trầy xước bên ngoài nhưng nếu nặng thì sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản sau này của trẻ. Thậm chí có khi ảnh hưởng đến cả tính mạng của trẻ. Thứ hai, sang chấn tâm lý là điều không thể tránh khỏi. Khi trẻ bị lạm dụng trẻ sẽ có cảm giác sợ hãi, bất an và xấu hổ nên không dám chia sẻ với ai, trẻ tự chịu đựng một mình nên dễ bị căng thẳng, lâu dần sẽ dẫn đến trầm cảm, dễ xung đột với người khác. Hơn nữa, trẻ sợ giao tiếp với những người xung quanh nhưng cũng lại sợ phải ở một mình, và đây chính là lí do dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tinh thần ngày một trầm trọng. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến tất cả mọi hoạt động hằng ngày của trẻ, sức khỏe kém, tâm lý bất ổn nên trẻ không tập trung làm bất cứ việc gì, trẻ giống như người mất hồn…”, ông Long phân tích.

tin liên quan

Ám ảnh kinh hoàng nạn xâm hại tình dục
Các vụ trẻ em bị, hoặc nghi bị xâm hại tình dục trên cả nước liên tục xuất hiện trong thời gian qua khiến dư luận phẫn nộ, các bậc phụ huynh cảm thấy bất an, lo lắng. 
Điều quan tâm của các bậc phụ huynh hiện nay là phải làm gì để bảo vệ con em mình trước nạn lạm dụng, xâm hại tình dục đang gây bất an như hiện nay, cũng như có những quy tắc bắt buộc nào mà phụ huynh nên ghi nhớ để có thể bảo vệ con cái.
Ông Long cho rằng ngay từ khi 3 tuổi, trẻ đã có ý thức về bản thân, về cái tôi, về cơ thể rất tốt, vì thế bắt đầu ở độ tuổi này phụ huynh nên dạy trẻ cách để bảo vệ cơ thể. Ví dụ như nói cho trẻ nghe tên các bộ phận trên cơ thể và chức năng của nó. Dặn trẻ ai mới được đụng vào và đụng ở đâu. Dạy trẻ cách phản ứng nếu ai đó - người lạ đụng vào cơ thể trẻ. Ví như dạy trẻ cách tránh những cái vuốt má, vẹo mũi hay cưng nựng trẻ hoặc dạy trẻ cách nói - giao tiếp lịch sự để phản kháng lại những hành vi đó.
Chuyên gia tâm lý này cũng lưu ý: “Khi trẻ còn nhỏ không nên để trẻ đi chơi một mình, dù là qua nhà hàng xóm bên cạnh nhà. Hạn chế cho trẻ xem những hình ảnh có tính khiêu khích về vấn đề này”.
Làm sao nhận biết trẻ bị xâm hại tình dục? Bé gái hay trai đều có nguy cơ bị xâm hại
Một trong những điều phụ huynh quan tâm, đó là làm sao để nhận biết trẻ em bị lạm dụng, xâm hại tình dục? Một phụ huynh ở Q.2 (TP.HCM) tỏ vẻ lo lắng: “Đọc nhiều thông tin về các vụ xâm hại đã diễn ra, thấy lo lo, và chẳng biết cách để nhận biết những biểu hiện nếu trẻ bị xâm hại”. Ông Long hướng dẫn: “Khi đứa trẻ bị lạm dụng thì tâm lý sẽ bất an, hay lo lắng và đặc biệt là khép kín hơn thường ngày. Mặc nhiên khi thấy con mình có những hành động khác lạ một chút là phải theo dõi, tìm hiểu xem con đang gặp vấn đề gì, không chỉ là vấn đề lạm dụng tình dục”.
“Người lớn chúng ta đôi lúc vô tình cứ quan tâm, hỏi han hay tập trung khai thác vấn đề quá nhiều sẽ làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ, mặc cảm và có thể bực tức, giận dữ. Vì thế, giai đoạn đầu người lớn có thể tâm tình với trẻ để biết được vấn đề nhưng khi vấn đề đã được trẻ khai báo rồi thì người lớn cần tự mình làm sáng tỏ và hạn chế tối đa ngày nào, lúc nào cũng hỏi trẻ về vấn đề đó, …
Sau đó tìm cách thay đổi môi trường cho trẻ. Ví dụ như chuyển trường học là giải pháp khá hiệu quả. Hạn chế để trẻ một mình để trẻ giảm cảm giác sợ sệt, lo lắng và bất an. Và đặc biệt, việc cần làm là lên tiếng tố cáo để những kẻ lạm dụng đó phải bị trừng phạt một cách đích đáng cho hành vi thiếu tính người của họ”.
Cũng theo ông Long, những người có ý đồ lạm dụng tình dục trẻ nhỏ là những người nhân cách bị lệch lạc nên tùy theo nhu cầu tình dục của họ mà sẽ gây hại cho bé gái hoặc bé trai. Vì thế, không thể nói chỉ có bé gái mới bị lạm dụng mà ngay cả với các bé trai. Vì thế, việc dạy con cách phòng tránh bị lạm dụng là điều cần thiết.
Dạy trẻ càng sớm càng tốt
Tiến sĩ Xã hội học và Tâm lý học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TP.HCM), cho rằng với những câu chuyện đau lòng đã và đang xuất hiện, có thể thấy trẻ có thể bị lạm dụng, xâm hại tình dục ở bất kỳ nơi nào, thậm chí là ở những nơi tưởng chừng là an toàn nhất như trường học hay chính ngôi nhà của mình. “Vậy nên mối lo của phụ huynh là điều dễ hiểu”, bà Thúy nói.
Theo bà Thúy, việc giúp con đủ khả năng tự phòng vệ bảo vệ bản thân, dạy con từ lúc bé là điều cần thiết, và càng sớm càng tốt. “Hãy dạy rằng cơ thể của trẻ là của trẻ, là riêng tư, không ai có quyền đụng vào. Nếu bất kỳ ai có biểu hiện hoặc hành động làm khó chịu thì dạy trẻ biết cách nói không. Cũng nên dạy trẻ nhận biết những cử chỉ không an toàn như nhìn chằm chằm, để trẻ nói không, hét lên và tránh xa, sau đó nói lại với bố mẹ biết”.

Bà Thúy lưu ý việc nhiều câu chuyện nạn nhân bị chính người quen biết, thân thiết xâm hại. “Dù là anh em ruột, anh em họ, nhưng khi gần gũi trẻ rồi thú tính nổi lên thì đều có cơ hội tấn công, lạm dụng trẻ. Vì vậy bố mẹ phải cẩn thận, đừng quá tin tưởng kẻo giao trứng cho ác”, bà Thúy nói.
Cũng theo bà Thúy, từ bé nên dạy trẻ nhớ tên những người thân yêu, nhớ số điện thoại và địa chỉ, trong túi của trẻ nên để thông tin của gia đình, có nguy cơ nguy hiểm thì gặp sẽ được trợ giúp. Đồng thời dạy con sự bình tĩnh, dũng cảm khi gặp khó khăn…
“Tất cả những điều đó, hãy dạy con trong tất cả tình huống. Tận dụng tất cả những cơ hội để dạy con”, bà Thúy khuyên.
Bác sĩ nhi khoa, chuyên gia tâm lý Nguyễn Lan Hải thì chia sẻ về “quy tắc bàn tay”, mà khi dạy cho trẻ cũng có thể giúp trẻ thoát khỏi nạn xâm hại tình dục. Đó là xem bàn tay của bé có 5 ngón và cũng được chia thành 5 vòng tròn giao tiếp. Ngón đầu tiên là “ôm hôn” dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột. Ngón hai là “nắm tay” với bạn bè, thầy cô, họ hàng. Ngón ba là “bắt tay” khi gặp người quen. Ngón thứ tư là “vẫy tay” nếu đó là người lạ. Và ngón thứ năm là “xua tay”, không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.