Ngay trước khi dịch Covid-19 xảy ra, cuối năm 2019, trong bài viết đăng tải trên trang web của Sở Y tế TP.Đà Nẵng, bà Ngô Thị Kim Yến, giám đốc sở này, cho biết tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của chúng ta là 8,6 (năm 2018), ít hơn 4 - 8 lần so với nhiều nước có ngành y phát triển (Úc là 48,3; Cuba 67,2; Argentina 38,6; Nga 43...). Tình trạng thiếu hụt điều dưỡng cũng diễn ra nghiêm trọng với 1,8 điều dưỡng/bác sĩ, đa số có trình độ trung học (66,9%)... Cũng theo bà Yến, lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở ngày càng thiếu hụt trầm trọng đội ngũ bác sĩ. Nguồn nhân lực của hệ thống này chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng và chất lượng để có thể triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm mà chúng ta đang phải đối mặt.
Riêng tại TP.HCM, theo báo cáo của Sở Y tế TP về kết quả thực hiện Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế của TP giai đoạn 2016 - 2020, số bác sĩ/vạn dân tăng từ 16,07 lên 20. Số điều dưỡng trên 1 vạn dân tăng từ 33,34 lên 35. Về định hướng phát triển chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn 2021 - 2026, ngành y tế TP phấn đấu đạt 21 bác sĩ/vạn dân; 40 điều dưỡng/vạn dân... Trong thời gian tới, TP.HCM cũng sẽ chú trọng phát triển nhân lực cho các trạm y tế. Đội ngũ nhân viên y tế tại trạm y tế có ít nhất 1 bác sĩ đa khoa được đào tạo y học gia đình, 1 cử nhân y tế công cộng... Bên cạnh đó, TP sẽ chú trọng đào tạo các nhân viên y tế chuyên sâu làm công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Bộ Y tế cũng đang xây dựng các quy định về đào tạo bằng cấp chuyên khoa cho các loại hình nhân lực y tế. Quan trọng hơn, bộ này đang xây dựng dự thảo đề án thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Một trong các nhiệm vụ quan trọng của hội đồng là nghiên cứu đề xuất tổ chức kỳ thi quốc gia kiểm tra năng lực người hành nghề khám chữa bệnh trước khi cấp chứng chỉ hành nghề.
Bình luận (0)