Lo tư vấn du học hoạt động tự do

20/10/2016 13:37 GMT+7

Nhiều phụ huynh lo ngại sẽ khó kiểm soát độ tin cậy, an toàn cho con em du học qua sự giới thiệu của các công ty tư vấn, khi những nơi này không còn nhiều ràng buộc trong đăng ký hoạt động theo luật Doanh nghiệp mới.

Không ký quỹ, không chứng chỉ nghiệp vụ
Theo nhiều người am hiểu về hoạt động du học, Quyết định số 5 của Chính phủ ban hành năm 2013 về “Quy định việc công dân VN ra nước ngoài học tập” lần đầu tiên nhà nước tán thành, thừa nhận du học là một ngành cụ thể và nêu đầy đủ nội dung của ngành tư vấn du học. Việc hợp thức hóa lĩnh vực kinh doanh này giúp cho các tổ chức dịch vụ tư vấn du học hoạt động rõ ràng.
Theo quyết định này, ngoài việc đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ…, tổ chức dịch vụ tư vấn du học chỉ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khi đáp ứng 2 điều quan trọng. Đó là phải ký quỹ 500 triệu đồng và người đứng đầu tổ chức phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học. Đơn vị quản lý hoạt động của các trung tâm du học là sở GD-ĐT. Tiền ký quỹ 500 triệu đồng là để cơ quan quản lý sử dụng chi trả đền bù cho người đăng ký du học khi xảy ra rủi ro. Những quy định này được ban hành trong thời điểm hàng loạt vụ người đăng ký du học tố cáo bị các công ty lừa đảo, mất tiền…
Tuy nhiên, khi luật Doanh nghiệp mới có hiệu lực vào tháng 7.2015 thì 2 nội dung này không còn thực thi. Giải thích về điều này, PGS-TS Phạm Đăng Hưng, Cục trưởng Cục Đào tạo nước ngoài, Bộ GD-ĐT, cho biết luật Doanh nghiệp mới chưa đề cập đến mảng kinh doanh tư vấn du học nên một số quy định về điều kiện tại Quyết định 05/2013 trước đó sẽ hết hiệu lực.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Trưởng phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập Sở GD-ĐT TP.HCM, với luật Doanh nghiệp (mới), các tổ chức tư vấn du học không buộc phải ký quỹ 500 triệu đồng và không cần chờ Sở GD-ĐT cấp chứng chỉ hoạt động nữa. Các tổ chức này chỉ cần đăng ký hoạt động doanh nghiệp có chức năng tư vấn du học tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, sau đó nộp giấy đăng ký doanh nghiệp cho Sở GD-ĐT và Sở sẽ đưa danh sách lên website cho phụ huynh, người học biết thông tin. Những tổ chức nào đã đóng tiền ký quỹ trước đó được Sở cấp giấy giới thiệu để ra ngân hàng rút lại tiền đã đóng.
Ông Khoa cũng thừa nhận, với quy định này, nếu xảy ra rủi ro với các công ty tư vấn du học thì Sở không chịu trách nhiệm giải quyết về quyền lợi của người đăng ký du học nữa. Lúc bấy giờ người thiệt hại sẽ tố cáo cơ quan công an (nếu xảy ra lừa đảo) và nộp đơn ra tòa án giải quyết vụ việc dân sự. Tuy nhiên, theo ông Hưng, hiện tại các sở GD-ĐT vẫn là nơi được phân cấp để quản lý lĩnh vực này.
Đe dọa quyền lợi người học ?
Tiến sĩ Chu Đình Tới, tác giả của các cuốn sách về du học, cho biết ở nước ngoài, người có ý định đi du học thường tự tìm hiểu thông tin và đăng ký du học trực tiếp với các trường ĐH. Những nơi có nhiều công ty tư vấn du học thường ở các nước đang phát triển. Có thể có nhiều lý do để bỏ các quy định quản lý du học. Tuy nhiên, các công ty tư vấn du học trá hình tại VN rất nhiều, chủ yếu làm vì lợi ích kinh tế, hứa hão với người học. Có công ty “đem con bỏ chợ”, đưa du học sinh sang các nước Mỹ, Nhật, Phần Lan… nhưng thực tế đi làm việc nặng nhọc. Người học muốn về cũng không được. “Vì vậy, cần quản lý các công ty tư vấn du học chặt hơn bằng các quy định pháp luật và ràng buộc pháp lý về trách nhiệm của họ với người học trước và sau khi đưa qua nước ngoài”, ông Tới đề nghị.
Năm 2010, chị Th.Ng bị một công ty du học lừa 3.000 USD. Lúc bấy giờ do chưa có quy định các công ty du học phải ký quỹ 500 triệu đồng và chưa có đơn vị nào quản lý du học nên khi công ty du học này đóng cửa, lấy tiền bỏ trốn, chị Ng. và các nạn nhân khác không thể đòi lại tiền đã đóng. Nếu công ty này có ký quỹ, các cơ quan chức năng đã có thể lấy tiền này để bồi thường cho các nạn nhân. Bỏ quy định này khiến những người muốn du học thông qua các công ty sẽ cảm thấy không đảm bảo quyền lợi.
Giám đốc một công ty tư vấn du học cho rằng du học cũng nên theo nguyên tắc thị trường. Công ty nào làm yếu kém, không uy tín thì thời gian sẽ đào thải. Tuy nhiên, nhà nước là nơi cần đặt kiểm soát để các công ty đi đúng đường. “Quan trọng nhất là cần có nơi để bảo vệ quyền lợi của người đăng ký du học khi có chuyện xảy ra. Chẳng hạn, Singapore có những quy định buộc tất cả các trường có tuyển du học sinh nước ngoài phải tuân theo để bảo vệ du học sinh. Trường nào vi phạm sẽ bị phạt rất nặng”, người này cho biết.
Theo PGS-TS Phạm Quang Hưng, Bộ GD-ĐT đã xây dựng văn bản để trình lên Chính phủ, sau đó chờ đưa ra Quốc hội. Nội dung chính là đề nghị xem dịch vụ tư vấn du học cũng là một danh mục kinh doanh có điều kiện. “Không làm khó doanh nghiệp nhưng cũng phải đảm bảo quyền lợi của người dân vì từ trước đến nay đã có nhiều trường hợp công ty tư vấn du học lừa đảo hoặc đưa người học qua các trường không đảm bảo chất lượng”, ông Hưng cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.