'Một cái vụt bằng thước còn nhớ lâu hơn những bản kiểm điểm vô hồn'

Bảy tỏ quan điểm về biện pháp giáo dục học sinh hiện nay, một chuyên gia Viện Nghiên cứu sư phạm - ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng một cái vụt, thậm chí là một cái tát có thể làm học sinh nên người.

Trách phạt không còn tác dụng giáo dục học sinh?
Trong lý luận giáo dục, trách phạt là biện pháp cần thiết và có giá trị trong giáo dục học sinh, nhưng hiện nay trách phạt liệu có còn tác dụng?
Có thể điểm lại một số hình thức trách phạt học sinh dưới đây để thấy chúng có tác dụng gì trong giáo dục.
Viết bản tự kiểm điểm: Nếu học sinh vi phạm những lỗi như: đi học muộn, áo quần mặc không đúng quy định, nghe điện thoại trong giờ học, nhuộm tóc màu, không học bài cũ hoặc không chuẩn bị đủ đồ dựng học tập... là phải viết bản kiểm điểm. Viết mãi các em thành nhờn và không còn hiệu quả (có học sinh phấn khởi vì được nghỉ học và cùng hàng chục bạn khác lên văn phòng viết bản tự kiểm). Do nhà trường quy định, nếu viết bản kiểm điểm tới 3 lần trong tháng, học sinh đó sẽ bị hạ hạnh kiểm, nhưng xem ra việc làm này không thể thực hiện được. Đến cuối học kỳ giáo viên vẫn phải nương tay vì nếu hạ hạnh kiểm nhiều, sẽ không đạt chỉ tiêu trường giao và không được xét lên lớp.
Cảnh cáo dưới cờ: Dành cho những học sinh đã viết bản tự kiểm điểm quá nhiều lần mà vẫn không tiến bộ hay do có sai phạm quá lớn cần nhắc nhở ngay, cách làm này không mang đến hiệu quả giáo dục cao. Có những em bị cảnh cáo dưới cờ mà vẫn tươi cười hồn nhiên như không có lỗi gì. Học sinh nào biết sợ hơn thì nghỉ tiết chào cờ hôm đó và nhà trường chỉ biết phê bình “chay” vì không có mặt  học sinh vi phạm.
Chép phạt: Đối với thầy cô bộ môn, để khỏi phải vướng vào “những điều giáo viên không được làm” mà điều lệ trường phổ thông đã quy định, một hình thức phạt được áp dụng là yêu cầu  học sinh chép phạt. Có em phải chép mười lần bài học, thậm chí chép hàng trăm lần một định lý trong toán học hay đơn giản hơn chỉ là lời cam kết: “Em không nói chuyện trong giờ học”. Để hoàn thành công việc được giao, có em phải lấy giờ môn học khác ra chép. Đến lúc kiểm tra bài, các em lại viện lý do: bận chép phạt... Cuối cùng, với số lần chép phạt khủng khiếp kia, các em cũng hoàn thành nhưng không giúp đỡ cho  học sinh đó tiến bộ hơn mà thầy cô lại mệt mỏi.
Nộp phạt: Có lớp, thầy cô chủ nhiệm đề ra quy định: học sinh vi phạm nội quy, phải tự kiểm điểm và nộp một số tiền hay hiện vật như vở viết cho lớp. Số tiền, hiện vật này sẽ dùng để thưởng cho các bạn có thành tích cao trong học tập và phong trào hàng tháng của lớp. Với cách làm này,  học sinh khi có lỗi cứ vô tư nộp phạt là coi như yên chuyện, không cần rèn giũa bản thân hay khắc phục khuyết điểm. Một số em kiên quyết không chép phạt, không nộp phạt, giáo viên phải “chào thua”…
Điều đem lại của những hình phạt này là làm cho phụ huynh  học sinh không “phẫn nộ” (vì không đánh mắng con em họ); nhà trường không mang tiếng với địa phương; thầy cô không bị phê bình, kỷ luật. Nhưng với  học sinh thì hầu như không còn giá trị. Dẫu biết là thế, nhưng giáo viên không còn có sự lựa chọn nào khác. Bởi không một giáo viên nào dám "hy sinh tương lai" của mình chỉ vì một cái roi quất vào tay hay vào mông của một học trò hư.
Người thầy đơn độc
Người thầy hiện nay nhận được sự ủy thác của gia đình, xã hội quá nhiều, nhưng đơn độc và gần như không còn công cụ để giáo dục  học sinh. Điều này biểu hiện ở chỗ:
Thứ nhất, người thầy là người chịu trách nhiệm chính trong dạy dỗ, giáo dục học sinh vì gia đình hầu như “Trăm sự nhờ thầy cô, nhờ nhà trường”. Nhưng nếu có bất cứ vấn đề xảy ra đối với con em họ (bị đánh mắng, trách phạt,…do phạm lỗi) thì người thầy nhận được sự chỉ trích, lên án quá nhiều từ phía gia đình, xã hội, thậm chí bị kỷ luật hoặc buộc thôi việc. Vì vậy, giáo viên cố kìm nén, không dám kỷ luật nghiêm khắc với những  học sinh được coi như các "ông trời con". Đã có giáo viên đau đớn tâm sự rằng: "Vì luật không đứng bên tôi, phụ huynh không đứng bên tôi, đau khổ nhất là ngành giáo dục không đứng bên tôi".
Thứ hai, giáo viên hiện nay bị tước gần hết công cụ để giáo dục  học sinh. Đây là vấn đề nhức nhối nhất đối với họ. Giáo viên hiện nay không còn có cả quyền đuổi  học sinh ra khỏi lớp, chứ đừng nói đến dùng đòn roi hoặc quát mắng  học sinh. Ngoài sử dụng các biện pháp trách phạt, hạ hạnh kiểm thì không còn biện pháp nào khác.
Thiết nghĩ, thời kỳ quan trọng nhất trong hình thành ý thức học tập và đạo đức của  học sinh là kỷ luật. Để chúng có được nền tảng đó thì một chút hình phạt không phải là không thể chấp nhận được. Một cái vụt bằng thước vào tay hay mông sẽ khiến chúng nhớ lâu hơn một vài trang chép phạt, một lời mắng mỏ, hay những bản kiểm điểm vô hồn kia. Thậm chí, một cái tát cũng có thể làm cho học sinh nên người. Đó là cái tát của tình thương, trách nhiệm làm thức tỉnh những hành vi lệch chuẩn của  học sinh và mong muốn các em tiến bộ.
Makarenko là nhà giáo dục nổi tiếng người Ukraina. Trong suốt 34 năm cống hiến cho giáo dục ông đã thành công trong việc giáo dục hơn 3.000 thiếu niên chưa ngoan, phạm tội trộm cắp, cướp giật, đánh người,… ông đã khẳng định: “Trong giáo dục mà loại bỏ các hình phạt là thể hiện chủ nghĩa nhân đạo giả dối. Nhân đạo không phải là sẵn sàng bỏ qua những cái sai, cái xấu xa của HS mà phải đấu tranh để loại bỏ nó đến cùng với niềm tin nhất định  học sinh sẽ tiến bộ”. Giáo dục như từ xa xưa, cha ông ta đã dạy: “Thương cho roi cho vọt”. Cho nên, giáo dục  học sinh rất cần đến hình thức kỷ luật nghiêm khắc, thậm chí là các hình phạt mang tính răn đe.
Đáng tiếc rằng, giáo viên hiện nay không có những quyền đó, vì thế  học sinh đã “nhờn thuốc” và việc giáo dục các em trở nên đầy khó khăn, thách thức với người thầy hiện nay.
Thách thức với người thầy
Đối tượng  học sinh ngày nay khác trước rất nhiều (hiểu biết, thông minh, tự tin và cá tính hơn) nhưng ngày càng có nhiều  học sinh hư, cá biệt hơn. Đây chính là những khó khăn đang thách thức năng lực giáo dục của người thầy.
Ngoài những năng lực cần thiết mà chuẩn nghề nghiệp giáo viên đã yêu cầu, chúng tôi cho rằng, những năng lực sau đây giúp người thầy vượt qua được mọi thách thức trong giáo dục học sinh, đó là: Năng lực hiểu và thích ứng với  học sinh; Năng lực ứng phó và xử lý các tình huống giáo dục một cách hiệu quả; Năng lực kiềm chế cảm xúc trước những hành vi lệch chuẩn của  học sinh.
Bên cạnh những năng lực trên, người thầy cần: Biết vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của chúng. Hãy vừa là bạn, vừa là thầy của  học sinh và cố gắng để các em luôn gần gũi, cởi mở với mình; hãy cố gắng khơi dậy lòng tự trọng, sự tự tin và những ưu điểm trong mỗi  học sinh. Đừng bao giờ cho rằng, những  học sinh hư là đồ bỏ đi và không thể dạy dỗ được; đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong lớp học và đừng độc đoán quá. Hãy nên nhớ, giờ học là một phần cuộc sống của  học sinh, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó, cứng nhắc để tạo cho  học sinh sợ hãi mà không dám cởi mở, say mê, sáng tạo.
Các cuộc gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh  học sinh vi phạm kỷ luật là cần thiết, nhưng nên nhớ, đối với họ đứa con là quý giá nhất trên đời. Vì thế, người thầy hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh cũng như học sinh đó bị tổn thương; đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai. Xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của người thầy trong mắt các em mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.