Bố mất sớm, mẹ bệnh tật
Nguyễn Bá Lộc có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Mẹ em vốn là người không được nhanh nhẹn, chỉ biết quanh quẩn nấu ăn, chăn trâu bò, ai bảo gì làm lấy. Rồi một ngày em được sinh ra và là đứa
con ngoài giá thú, vì bố em đã có gia đình riêng.
“Gia đình bố em đông chị em gái nên bố muốn có con trai. Bố rất quan tâm đến em, nhưng gia đình bố cũng nghèo nên không chu cấp được mấy. Bố vẫn là chỗ dựa tinh thần cho em, vì mẹ hầu như không biết gì về xã hội”, Lộc ngậm ngùi chia sẻ.
Ông bà ngoại em làm cho hai mẹ con một gian nhà nhỏ trong vườn của gia đình. Cuộc sống của mẹ con em hầu như phải dựa vào sự cưu mang của ông bà ngoại. Thế nhưng, ông bà ngoại cũng già yếu và lần lượt ra đi. Em chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bố, nhưng đến năm em học lớp 10 thì bố em cũng mất vì bị ung thư phổi.
Những ngày bố ốm, Lộc hằng ngày đi học về là vượt đường xa hơn 20 km đến nhà bố để chăm sóc, xoa bóp, bón cho bố ăn, nhưng ông không qua khỏi.
“Lúc còn sống, bố dạy cho em học hành và định hướng cho em mỗi khi em gặp khó khăn; chu cấp một phần để nuôi em ăn học. Giờ bố cũng mất rồi, nhiều lúc em thấy rất hoang mang vì không biết nương tựa vào ai”, Lộc buồn rầu nói.
Nghị lực hiếm có
Do
hoàn cảnh éo le, nên từ nhỏ Lộc đã phải tự mưu sinh và cáng đáng công việc gia đình. Hằng ngày, em vừa đi học, vừa giúp mẹ chăn trâu, cắt cỏ, nuôi dê… Mẹ Lộc ốm yếu và không biết tính toán nên hầu như mọi việc gia đình em phải lo toan.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, chủ nhiệm lớp 12 C1 Trường THPT Tân Kỳ H.Tân Kỳ, Nghệ An), nơi Lộc theo học, kể: “Em ấy làm lụng vất vả, sáng đi học, chiều đi chăn dê, ngày mùa em là lao động chính. Vì vậy, em hay bị đi học muộn. Có hôm tôi hỏi tại “răng đi học muộn?”, thì em kể phải ở nhà đi bán dê. Có lần đến lớp vào ngày mùa, em bị ngứa khắp người, nhưng không kịp tắm, cứ quàng vội áo lên lớp rồi xắn quần lên gãi”.
Dù khó khăn, nhưng ngày từ nhỏ Lộc đã rất sáng dạ và luôn học hành chăm chỉ. Trong suốt các năm học phổ thông em đều đạt kết quả xuất sắc. Nhiều năm là học sinh giỏi toàn diện, cấp 2 em là học sinh giỏi cấp huyện môn toán. Năm lớp 12 em còn đạt giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý.
Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua Lộc đạt 27 điểm khối A xét tuyển vào đại học (toán 9, vật lý 8,25 và hóa 9, điểm cộng 0,75). Lộc cho biết em đăng ký xét tuyển vào
Trường đại học Bách khoa TP.HCM và cơ hội đỗ cao, nhưng có đỗ thì em cũng không có tiền đi học.
Chia sẻ về Lộc, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Lan, kể: “Lộc là học trò ngoan và thông minh, học giỏi, luôn đứng top đầu của lớp. Đặc biệt là sự ham học, dù vất vả nhưng Lộc luôn ý thức tự học. Cái điện thoại cũ của em chứa rất nhiều tài liệu do em tải về để tự học ở nhà. Nếu được học đại học, Lộc sẽ rất có triển vọng trở thành người giỏi giang, nhưng hoàn cảnh em quá éo le nên không biết tương lai ra sao”.
Lộc chỉ biết đi chăn trâu mưu sinh mỗi ngày và mong ước về một tương lai tươi sáng hơn
|
Ước mơ vụt tắt
Cô Lan cũng cho biết, mẹ em dù ngây dại nhưng vẫn biết chăm lo cho con. “Hồi Lộc đi học tiểu học, bà không biết đi xe đạp, cứ để Lộc ngồi lên, rồi dắt bộ từ trường về nhà. Hôm Lộc thi vào lớp 10, dù đã tự đi - về, nhưng mọi người thấy bà vẫn dắt xe đạp ra đứng ở cổng trường, trong giỏ xe để một hộp sữa, chờ con ra thì cho uống… nhìn tội lắm!”, cô Lan xúc động kể.
Căn nhà ở của hai mẹ con Lộc chỉ có 1 cái bàn, 2 cái giường, ngoài ra không có gì đáng giá. Tài sản đáng giá nhất của nhà Lộc là 1 con trâu và vài con dê, nhưng 1 - 2 năm mới được bán nên hầu như gia đình không có tiền chi tiêu. Cơm thì có gì ăn nấy, cả tháng có khi mới có 1 - 2 bữa thịt…
Dịp nghỉ hè năm lớp 10, em vào Vũng Tàu làm thuê với công việc bưng bê, quét dọn cho một quán ăn và tích cóp được 5 triệu đồng. Em dự định, cứ nghỉ hè là đi làm thuê để tiết kiệm lấy tiền đi học đại học. Thế nhưng, 2 năm nay dịch
Covid-19 bùng phát, khiến ước mơ cũng vụt tắt.
Hiện Lộc chỉ ở nhà, ra đồng chăn trâu, cắt cỏ để mưu sinh. “Em ước mơ được đi học đại học để có tương lai tốt hơn, nhưng em không biết lấy đâu ra tiền để trang trải cho 4 năm học. Năm nay, em định đi vào Nam làm thuê tiếp để lấy tiền đi học, nhưng giờ dịch bệnh thế này thì biết làm sao”, Lộc ngậm ngùi chia sẻ.
Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp em Lộc, quý vị độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư phát triển Việt Nam - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Bá Lộc; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Lộc trong thời gian sớm nhất.
|
Bình luận (0)