Ông Thành cho biết: Việc lùi thời điểm kết thúc năm học (kéo dài năm học) sẽ căn cứ vào thời gian thực tế mà các địa phương đã cho HS nghỉ học. Theo quy định thì thời gian kết thúc năm học chậm nhất là ngày 31.5. Theo tính toán, có thể sẽ lùi thời gian kết thúc năm học 1 - 2 tuần để cho HS học bù.
|
Thi THPT có thể sẽ muộn hơn các năm trước
Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, các địa phương phải cho HS nghỉ học thì 1 - 2 tuần có đủ không, thưa ông?
Việc lùi thời gian phải căn cứ vào thực tế, nếu dịch bệnh phức tạp hơn khiến cho việc nghỉ học kéo dài thì thời điểm kết thúc năm học có thể sẽ phải dài hơn từ 2 - 3 tuần.
Để các địa phương có căn cứ điều chỉnh thời gian năm học, Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn trước khi HS trở lại trường sau kỳ nghỉ, để HS được học đủ thời lượng chương trình và nội dung kiến thức.
Vậy kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ lùi so với dự kiến?
Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020 và chưa ấn định thời gian. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình HS nghỉ như hiện nay, Bộ sẽ có quy định, hướng dẫn phù hợp, tương ứng với việc lùi thời điểm kết thúc năm học.
|
Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ kéo theo việc thay đổi thời điểm xét tốt nghiệp cho HS tiểu học và THCS (quy định hiện hành là 15.6); việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT (quy định chậm nhất là 31.7)... Như vậy, nếu lùi thời điểm kết thúc năm học, các thời điểm này cũng phải điều chỉnh, nhưng vẫn phải đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến năm học tiếp theo.
Với những địa phương ở “tâm dịch” như Vĩnh Phúc, nếu buộc phải nghỉ học quá dài, thậm chí ảnh hưởng đến kỳ thi THPT quốc gia thì sao, thưa ông?
Sức khỏe, an toàn của HS cũng như người dân được đặt lên hàng đầu. Nên nếu có yêu cầu thì HS nơi có dịch có thể sẽ phải nghỉ dài hơn các nơi khác. Đây là đặc thù và những hướng dẫn liên quan sẽ là đặc thù. Những gì Bộ GD-ĐT không quyết định được thì sẽ xin ý kiến cấp trên để có hướng dẫn đặc thù.
Tại sao không nghỉ bù trước 3 tháng hè ?
Sau khi HS đi học trở lại thì việc dạy học bù sẽ được tiến hành ra sao, Bộ hay các địa phương hướng dẫn việc tổ chức dạy học bù, thưa ông? Với những địa phương đi học sớm - muộn khác nhau thì sao?
Trong quyết định về khung kế hoạch thời gian năm học thì địa phương sẽ căn cứ vào tình hình thực tế, thời gian nghỉ học của địa phương mình để xây dựng kế hoạch dạy học bù.
Chính vì vậy, với những địa phương đi học sớm - muộn khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng theo khung kế hoạch thời gian năm học mà Bộ đã ban hành. Khung kế hoạch này Bộ chỉ quy định thời gian tựu trường sớm nhất, kết thúc năm học, xét tốt nghiệp, tuyển sinh lớp 10..., muộn nhất là bao nhiêu chứ Bộ không quy định “cứng” về thời gian để áp dụng cho tất cả các địa phương. Trên cơ sở khung đó thì các địa phương xây dựng các mốc thời gian khác nhau, không phải dịch bệnh lần này mà nhiều năm nay các địa phương đã thực hiện như vậy rồi.
|
Hiện nay, Bộ cho phép tựu trường sớm nhất là 1.8, khai giảng năm học mới là 5.9; chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cũng mới chỉ bắt buộc dạy học 1 buổi/ngày... Như vậy, quỹ thời gian dự trữ nếu các địa phương tựu trường sớm là còn khá nhiều. Khi HS đi học trở lại, những nơi có điều kiện về cơ sở vật chất thì thay vì dạy học 1 buổi/ngày như trước kia có thể tận dụng tối đa về phòng học, giáo viên... để có thể dạy học 2 buổi/ngày. Đó cũng là cách dạy học bù không phải kéo dài thời gian mà vẫn đảm bảo đủ thời lượng chương trình. Để HS có thể đi học thì có 2 điều kiện là thời gian và không gian, bên cạnh sự nỗ lực dạy thêm giờ của đội ngũ giáo viên… thì hoàn toàn có thể khắc phục được mà không ảnh hưởng quá nhiều đến khung thời gian năm học của năm nay và năm học sau.
Tuy nhiên, Bộ có tính toán thế nào để việc dạy học bù nhưng không quá dồn dập, quá tải với HS?
Rõ ràng là dù học bù thì cũng phải tính đến hiệu quả tiếp thu của HS, dù tận dụng thời gian và không gian như tôi nói nhưng vẫn phải đảm bảo thời gian HS ôn lại kiến thức đã học, có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn… chứ ép quá thì có thể đủ về thời lượng học tập nhưng không đảm bảo chất lượng. Đó là điều mà Bộ khuyến cáo các địa phương phải tính toán khi xây dựng kế hoạch dạy học bù.
Không ít ý kiến cho rằng tại sao Bộ GD-ĐT không căn cứ vào tình hình dịch bệnh như hiện nay để quyết định cho HS nghỉ học như nghỉ hè và học bù vào 3 tháng hè tới?
Vì đối tượng HS của chúng ta là từ mầm non tới THPT, với phổ thông là từ lớp 1 đến lớp 12 nên không phải các đối tượng đều giống nhau. Với HS cuối cấp thì phải có những kỳ thi chuyển cấp, như HS lớp 9 thì phải thi vào lớp 10 và lớp 12 thì phải thi THPT quốc gia để tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH..., và những kỳ thi đó thì không thể lùi đến sang năm được.
Khi điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học, Bộ sẽ có thể phải tính toán lùi kỳ thi THPT quốc gia muộn hơn so với năm học trước tương ứng với thời điểm kết thúc năm học. Tuy nhiên, cố gắng để không làm ảnh hưởng lớn tới kế hoạch của năm tiếp theo, kế hoạch tuyển sinh ĐH...
Theo phân cấp quản lý về giáo dục thì chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định cho HS đi học trở lại hoặc tiếp tục nghỉ học trong những trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, quyết định này có thể không áp dụng với tất cả mọi HS trên địa bàn. Ví dụ, với HS lớp 12, các em có kỹ năng tự bảo vệ mình tốt thì có thể đi học…
Bình luận (0)