Vào 19 giờ hôm nay (1.10), Nhà giáo ưu tú Trần Chút đã qua đời ở tuổi 81 sau một thời gian bị bệnh nặng. Ông ra đi để lại sự tiếc nuối trong lòng nhiều thế hệ học trò.
Theo website của Trường ĐH Khoa học Xã hội& Nhân văn TP.HCM, nhà giáo ưu tú Trần Chút sinh năm 1940, nguyên quán Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960 ông được tuyển thẳng vào học khoa Ngữ văn Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội.
Trước năm 1975, sau khi tốt nghiệp ngành ngữ văn, ông công tác ở Viện Ngôn ngữ học (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam). Sau năm 1975, ông chuyển vào làm Phó trưởng khoa Ngữ văn rồi làm Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) cho tới khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục gắn bó với công tác giáo dục khi được mời làm Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến.
Không chỉ gắn bó với việc giảng dạy, từ năm 1990 Nhà giáo ưu tú Trần Chút còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam trước khi làm Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM.
Với bút danh Hồng Dân, ông đã tham gia vào việc biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ GD-ĐT như: Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), Tiếng Việt 8 (1995), Tiếng Việt 9 (1995), Tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006).
Bên cạnh đó, ông còn tham gia đồng biên soạn cuốn Góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn (1997), Hoàng Tuệ tuyển tập (2009)…
Nhà giáo ưu tú Trần Chút là nhà nghiên cứu, nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn. Ông còn là nhà ngôn ngữ học uy tín, là Phó trưởng khoa đầu tiên của khoa Ngữ văn (Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM). Dấu ấn của ông vẫn còn in rõ trong trí óc, tình cảm của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Trong công tác khoa học, giảng dạy hay quản lý giáo dục, ông đều có những đóng góp và khởi xướng rất tích cực nắm bắt xu hướng thời đại. Năng lực và đức độ của ông luôn lắng đọng trong tình cảm của nhiều thế hệ học trò và đồng nghiệp.
Bình luận (0)