Các thông tin này được đại diện các trường công bố trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức tại thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên ngày 12.7.
Chênh lệch cao thấp tùy ngành
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, lưu ý năm nay thí sinh (TS) không nên tham khảo điểm chuẩn của trường các năm trước. Bởi lẽ các năm trước trường chỉ tuyển TS có hộ khẩu tại TP.HCM, trong khi năm nay phạm vi tuyển sinh toàn quốc. Với số nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển vào trường đợt 1 đã tăng 4 lần thì điểm chuẩn của trường sẽ tăng rất nhiều. Nếu căn cứ vào điểm chuẩn các năm trước sẽ không chính xác.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Mỹ Trinh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cũng nói điểm chuẩn năm nay có thể biến động, TS cứ mạnh dạn đăng ký nếu có điểm thi từ 21 trở lên. Chẳng hạn ngành kế toán năm 2014 điểm chuẩn là 21, năm 2015 tăng lên 23,25 và 21 điểm vào 2016. Năm nay TS phải trên 22 điểm mới có khả năng trúng tuyển.
tin liên quan
Tư vấn truyền hình trực tuyến: Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh* Điểm sàn xét tuyển vào ĐH tất cả các tổ hợp là 15,5 điểm.
Trong ngày 12.7, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Điểm sàn và sự lựa chọn của thí sinh'.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết không dám dự đoán điểm chuẩn vì dù phổ điểm hơi cao hơn so với năm ngoái nhưng còn phụ thuộc TS đăng ký thực tế. Có ngành một năm mức điểm rất cao nhưng năm sau lại thấp hơn rất nhiều.
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin năm ngoái điểm chuẩn các ngành kinh tế dao động từ 18 - 19,5 điểm, ngành kỹ thuật 16 - 17... Điểm chuẩn của trường năm nay dự kiến sẽ nhỉnh hơn từ 0,5 - 1 điểm so với năm ngoái. Chẳng hạn, ngành công nghệ thông tin năm ngoái điểm chuẩn 20, năm nay chỉ tiêu tăng lên 170 nên với 21,5 điểm vẫn có cơ hội trúng tuyển.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng nói trường đã công bố mức điểm sàn xét tuyển tất cả các ngành là 15,5 điểm. Tuy nhiên, TS lưu ý đây chỉ là mức tối thiểu nhận hồ sơ, còn điểm trúng tuyển có thể bằng hoặc cao hơn tùy theo từng ngành. Chẳng hạn, các ngành kinh tế (quản trị kinh doanh, quản trị khách sạn) điểm có thể cao hơn các ngành khác. Ngành kỹ thuật theo dự báo điểm chuẩn sẽ không thay đổi quá nhiều so với các năm trước. Ngành hệ thống thông tin quản lý điểm trúng tuyển hằng năm có thể bằng sàn hoặc cao hơn 1 - 2 điểm. Riêng các ngành năng khiếu, điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ từ 18 trở lên (môn vẽ nhân hệ số 2). Điểm chuẩn năm ngoái các ngành này dao động ở mức 18 - 19, năm nay có thể cũng trong khoảng này.
tin liên quan
Trường ĐH Luật TP.HCM công bố kết quả xét tuyển sơ bộChiều nay 12.7, Trường ĐH Luật TP.HCM đã công bố mức điểm đạt yêu cầu xét tuyển sơ bộ. Với mức điểm này sẽ có 4.018 thí sinh tham dự kỳ kiểm tra năng lực do trường tổ chức sắp tới.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, chia sẻ điểm chuẩn các ngành của trường các năm trước bằng mức điểm sàn của Bộ. Riêng ngành dược có thể cao hơn 1 - 2 điểm tùy theo năm.
Thạc sĩ Mai Đức Toàn, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM, cũng nhận định năm nay một số ngành nhiều TS quan tâm điểm chuẩn có thể tăng từ 0,5 - 1 điểm.
Thạc sĩ Trần Thanh Huy, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM, cho biết trường đã quyết định mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là 15,5 cho tất cả các ngành, các tổ hợp. Tuy nhiên, nếu không đạt điểm sàn, TS vẫn có thể xét tuyển bằng học bạ năm học lớp 12.
Trong khi đó, đại diện Trường CĐ Đại Việt cho rằng điểm sàn mà Bộ vừa công bố không tác động đến việc tuyển sinh của các trường CĐ. Bởi điều kiện để các trường CĐ ngoài nhóm ngành đào tạo giáo viên là tốt nghiệp THPT. TS có thể nộp hồ sơ xét tuyển theo hệ thống riêng, trực tiếp trên website các trường. Trường CĐ Đại Việt cũng nhận hồ sơ xét tuyển theo học bạ với mức điểm 5,5 và thời hạn nhận hồ sơ đợt hiện tại đến 20.7.
tin liên quan
Điểm xét tuyển các trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến, Quốc tế Hồng Bàng, Lạc HồngNgày 12.7, tiếp tục có thêm nhiều trường ĐH ngoài công lập công bố điểm xét tuyển.
Nhiều ngành học mới bổ sung
Dù đã cận ngày TS điều chỉnh NV xét tuyển nhưng nhiều trường vẫn công bố các điểm mới đáng chú ý, có tác động mạnh mẽ đến việc tuyển sinh.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà lưu ý, năm nay Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mở rộng phạm vi tuyển sinh toàn quốc nhưng sẽ không có khác biệt nào về ưu tiên tuyển sinh giữa TS của TP.HCM với các địa phương khác. Trường áp dụng chế độ ưu tiên tuyển sinh (đối tượng, khu vực) theo đúng quy chế. Tuy nhiên, khi đề án tự chủ của trường được UBND TP.HCM phê duyệt, sinh viên trúng tuyển vào trường sẽ có sự khác nhau về học phí và chế độ tuyển dụng sau khi tốt nghiệp. “Có thể sẽ có 2 mức học phí, trong đó UBND TP.HCM sẽ không bao cấp học phí cho sinh viên địa phương khác”, thạc sĩ Hà chia sẻ.
Cũng theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, năm nay lần đầu tiên trường được tuyển sinh ngành dược với 50 chỉ tiêu, đây sẽ là cơ hội cho TS đăng ký mới trong đợt điều chỉnh NV sắp tới. Mã ngành của ngành dược là 52720401, trường sẽ thông báo thông tin chi tiết trong đề án tuyển sinh mới khi được UBND TP.HCM thông qua. “TS cũng lưu ý, trường chỉ tuyển thẳng HS giỏi theo quy định của Bộ, không ưu tiên xét tuyển hoặc cộng điểm thưởng cho các TS này”, thạc sĩ Hà thông tin thêm.
tin liên quan
2 trường ĐH đầu tiên công bố điểm sàn xét tuyểnSáng nay (12.7), ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đã công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường.
Tương tự, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM vừa được Bộ cho phép tuyển sinh ngành thú y (50 chỉ tiêu). Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho biết, ngay trong đợt điều chỉnh NV sắp tới, TS có thể đăng ký bổ sung vào ngành này. Còn ở hình thức xét tuyển học bạ, điểm nhận hồ sơ là 18 cho tổ hợp 3 môn.
Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn được nhiều TS quan tâm. Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh trường này, chia sẻ nếu xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia vào ngành này, mức điểm trên sàn khoảng 1 điểm sẽ an toàn. Tuy nhiên nếu vẫn chưa yên tâm thì nên xét tuyển thêm bằng học bạ.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nói TS lưu ý việc xác định điểm trúng tuyển của các tổ hợp môn trong cùng một ngành. Nếu trường nào xác định mức điểm chuẩn riêng cho các tổ hợp thì mỗi tổ hợp nên sử dụng một NV riêng. Riêng Trường ĐH Duy Tân, trường chỉ có một điểm chuẩn chung cho tất cả các tổ hợp.
tin liên quan
Trường đại học đầu tiên ở phía Bắc công bố điểm đăng ký xét tuyểnTrường đại học Công nghệ giao thông vận tải vừa thông báo điểm đăng ký xét tuyển đại học chính quy đợt 1.
Thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, lưu ý riêng ngành bác sĩ y học dự phòng trường chỉ xét TS từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia, không xét học bạ. Tuy nhiên, đây là ngành mới nên số hồ sơ đăng ký chưa nhiều so với chỉ tiêu nên cơ hội dành cho TS còn nhiều. Tương tự, Trường ĐH Duy Tân cũng không xét tuyển học bạ với 2 ngành: y đa khoa và dược học.
Thông tin chi tiết về buổi tư vấn, bạn đọc có thể xem tại thanhnien.vn.
Có nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ?
Theo quy định, trong 9 ngày (15 - 23.7) TS thực hiện điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển. Dù bằng phương thức trực tuyến hoặc bằng phiếu, mỗi TS chỉ được thực hiện một lần. Do vậy, TS cần cân nhắc kỹ lưỡng việc thay đổi NV.
Vào ngày 14.7, Báo Thanh Niên sẽ tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề “Nên hay không nên điều chỉnh NV?” tại các địa chỉ: thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Chương trình sẽ có chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH tham dự: tiến sĩ Dương Thị Hồng Hiếu, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM; thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM.
Bên cạnh đó còn có chuyên gia đến từ các trường: tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn; tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM; thạc sĩ Hồ Thanh Tình, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành; thạc sĩ Trần Thanh Huy, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM; đại diện Trường ĐH FPT và thạc sĩ Phạm Thanh Bình, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Đại Việt.
Đại diện các trường sẽ cung cấp thông tin về điểm chuẩn dự kiến để TS có cơ sở điều chỉnh NV phù hợp.
Thanh Niên
|
Bình luận (0)