Trường muốn cô Hòa được ở lại tiếp tục giảng dạy
Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài viết Nữ giáo viên Trường Đào Duy Từ kêu cứu vì có nguy cơ mất việc, phản ánh về hoàn cảnh của cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên dạy môn lịch sử của Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa), nhiều bạn đọc đã có ý kiến bình luận. Bạn đọc là các nhà giáo nghỉ hưu, giáo viên đang giảng dạy đều cho rằng các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa phải tôn trọng công sức, thời gian công tác, cống hiến của giáo viên làm việc nhiều năm nay theo dạng hợp đồng lao động.
Là người trực tiếp ký hợp đồng làm việc với cô Lê Thị Hòa, ông Lê Xuân Bình (đã nghỉ hưu), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất, cho biết ông đã đọc bài viết trên Thanh Niên. Ông Bình khẳng định năm 2010, trường ký hợp đồng với cô Hòa là hoàn toàn đúng quy định và được sự cho phép của Sở GD-ĐT Thanh Hóa.
“Ngày xưa hợp đồng cô Hòa có sự đồng ý của Sở GD-ĐT. Về vấn đề của cô Hòa hiện nay, theo quan điểm tôi, Sở muốn làm gì thì làm nhưng trên cơ sở để cho công việc cô Hòa ổn định. Những người đã có quá trình công tác rồi, thì phải tôn trọng công sức, thời gian công tác của họ”, ông Bình nói.
|
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, quyền Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, nơi cô Hòa đang giảng dạy môn lịch sử, cũng bày tỏ quan điểm và cho biết Trường THPT Đào Duy Từ mong muốn cô Hòa tiếp tục được giảng dạy tại trường.
“Cô Hòa là giáo viên có năng lực tốt, đã có nhiều năm giảng dạy, cống hiến cho trường. Cô Hòa là giáo viên giỏi cấp tỉnh, nên bản thân tôi cũng như Ban giám hiệu nhà trường mong muốn cô Hòa được tiếp tục giảng dạy ở trường. Trong đề án việc làm giai đoạn 2020 - 2022 của trường chúng tôi cũng đã có đề xuất 4 giáo viên dạy môn lịch sử, trong đó có cô Hòa, nhưng quyền quyết định và kế hoạch tuyển dụng lại thuốc cấp trên”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, từ cuối năm 2019 đến nay, nhà trường trả lương và các chế độ cho cô Hòa bằng tiền ngân sách, như một viên chức giáo viên.
Thanh Hóa lựa chọn tuyển dụng, không xem xét đặc cách
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 5.11.2019, Bộ Nội vụ có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về việc tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng.
Văn bản của Bội Nội vụ có nêu: theo quy định của luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thì UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm về công tác tuyển dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, tổng hợp danh sách giáo viên đã hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước, và căn cứ chỉ tiêu số lượng người làm việc là giáo viên (số lượng biên chế được giao) chưa tuyển dụng để quyết định việc tuyển dụng đặc cách.
Đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách là giáo viên đang làm hợp đồng lao động theo vị trí việc làm giảng dạy tại các cơ sở giáo dục công lập, có thời gian ký hợp đồng, đóng bảo hiểm xã hội từ trước ngày 31.12.2015.
Như vậy, nếu tỉnh Thanh Hóa áp dụng theo văn bản của Bộ Nội vụ thì từ năm 2019 đã có thể giải quyết quyền lời của cô Hòa cũng như hơn 60 trường hợp giáo viên khác tương tự như cô Hòa.
Tuy nhiên, Thanh Hóa đã không lựa chọn cách này, mà lựa chọn hình tuyển dụng và đang triển khai việc tuyển dụng 305 giáo viên, theo đề án UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt trước đó.
|
Để làm sáng tỏ việc tại sao biết Trường THPT Lưu Đình Chất ký hợp đồng làm việc sai quy định trong nhiều năm, nhưng Sở GD-ĐT Thanh Hóa vẫn im lặng, không có hướng xử lý; Sở GD-ĐT khi trả lời đơn kiến nghị của cô Lê Thị Hòa đã xem xét thấu tình đạt lý, có nghĩ đến công sức cống hiến của cô giáo trong nhiều năm qua?…, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với Chánh văn phòng Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa và đặt vấn đề trực tiếp với bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thanh Hóa, nhưng tất cả đều im lặng.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết sẽ giao Sở GD-ĐT Thanh Hóa cùng các đơn vị liên quan xem xét lại trường hợp của cô Hòa theo nội dung đơn kêu cứu cô giáo này đã gửi. Ông Xứng cũng cho biết thêm, quan điểm của tỉnh là làm sao để có môi trường giáo dục tốt nhất cho cả giáo viên và học sinh, để ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là đối với những giáo viên có tài.
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, năm 2008, cô Lê Thị Hòa được Hiệu trưởng Trường THPT bán công Lưu Đình Chất (H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) nhận vào giảng dạy môn lịch sử theo dạng hợp đồng thử việc.
Ngày 1.10.2010, sau khi được sự đồng ý của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, Hiệu trưởng Trường THPT Lưu Đình Chất đã ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với cô Hòa. Cô Hòa được xếp ngạch, bậc, hệ số lương đầy đủ.
Đến tháng 8.2012, cô Hòa xin được chuyển công tác tại Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Thanh Hóa), và cũng được Sở GD-ĐT Thanh Hóa có văn bản đồng ý. Ổn định giảng dạy cho đến nay, nhưng hiện cô Hòa đang rơi vào tình cảnh có nguy cơ bị mất việc làm.
|
Bình luận (0)