Trong khi theo luật Giáo dục, những người này sẽ chỉ đạo việc chọn sách giáo khoa cho địa phương mình.
Hai quyết định chi thù lao và động thái “kỳ lạ” của giám đốc sở
Theo tài liệu Thanh Niên tiếp cận được thì từ năm 2015, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã có Quyết định số 778 về việc chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM. Theo quyết định này, NXB Giáo dục Việt Nam chi thù lao Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam thuộc Sở GD-ĐT TP.HCM cho 11 người của Sở, gồm ông Lê Hồng Sơn, giám đốc (trưởng ban), phó giám đốc (phó trưởng ban) và các ủy viên là chánh văn phòng, hai phó chánh văn phòng, trưởng phòng giáo dục phổ thông, trưởng phòng giáo dục tiểu học, các phó trưởng phòng của hai phòng chuyên môn này.
Theo đó, mức chi được áp dụng cho trưởng ban là 6 triệu đồng/tháng, phó trưởng ban 5 triệu đồng, ủy viên thường trực 4 triệu đồng và ủy viên là 3,5 triệu đồng. Mức chi này được tính từ ngày 1.5.2015; nguồn chi từ quỹ đầu tư xuất bản của NXB Giáo dục Việt Nam.
Đến năm 2018, NXB Giáo dục Việt Nam có tiếp Quyết định số 04 về việc thành lập ban chỉ đạo và mức chi thù lao Ban Chỉ đạo tổ chức biên soạn bộ SGK miền Nam. Theo đó, số thành viên của ban chỉ đạo này vẫn là 11 người của Sở GD-ĐT TP.HCM; ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở, vẫn là trưởng ban. Phía NXB Giáo dục Việt Nam có 9 thành viên, trong đó ông Nguyễn Đức Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên là đồng trưởng ban. Ngoài ra, còn có nhóm tư vấn hỗ trợ gồm 15 người, trong đó 14 người là chuyên viên các môn học hoặc phòng ban chuyên môn của sở GD-ĐT TP.HCM. Mức hỗ trợ vẫn giữ nguyên như năm 2015, đối với nhóm hỗ trợ thì mức thù lao là 2,5 triệu đồng/người/tháng. Đơn vị đảm nhiệm chi lần này là NXB Giáo dục Việt Nam tại TP.HCM.
|
|
Điều này có thể lý giải nguyên nhân vì sao Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn công khai đăng đàn phát biểu tại hội thảo về đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông (do NXB Giáo dục Việt Nam tổ chức) cuối tháng 10 vừa qua để ca ngợi về một bộ SGK lớp 1. Sự khen ngợi này dành cho 1 bộ SGK cụ thể và duy nhất trong 5 bộ SGK lớp 1 trên toàn quốc khiến dư luận hết sức ngạc nhiên. Ông Sơn khẳng định bộ sách này “là một sản phẩm của nền giáo dục miền Nam, bộ sách cũng mang những phong vị của người dân Nam bộ: hào sảng, cởi mở, gần gũi, chân tình và hiện đại”… Những phát biểu này của ông Sơn được đăng ngay trên tờ báo của ngành khiến dư luận không thể lý giải nổi, bởi với vai trò Giám đốc Sở GD-ĐT, ông Sơn có trách nhiệm chính về việc lựa chọn SGK cho các nhà trường của TP.HCM. Với vai trò là người chủ trì điều hành việc chọn SGK, không thể phát biểu thiên về bất cứ SGK nào, nhất là khi SGK còn chưa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt.
Bộ nói không tiếp nhận SGK nào của Sở GD-ĐT TP.HCM
Động thái này của Giám đốc Sở GD-ĐT của một trong 2 TP lớn nhất cả nước cùng lời tuyên bố “bộ sách là kết quả của ngành GD TP sau nhiều năm cùng phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam” đã được báo chí đề cập tại cuộc họp báo của Bộ GD-ĐT công bố 32 SGK lớp 1 mới vào cuối tháng 11 vừa qua, để lo ngại về việc chọn SGK sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi người làm SGK cũng là người chọn SGK. Xung quanh thắc mắc này, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trong hồ sơ đề nghị thẩm định SGK mà Bộ GD-ĐT tiếp nhận không có SGK hay bộ SGK nào do Sở GD-ĐT TP.HCM đứng tên”.
Nhiều ý kiến cho rằng NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn SGK để cạnh tranh với SGK của các NXB khác mà chi tiền như thế thì làm sao Sở GD-ĐT TP.HCM có thể chọn SGK một cách khách quan được? Nếu điều đó xảy ra thì chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK không thực hiện được.
NXB nói chi thù lao để giúp “tập hợp đội ngũ”...
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 4.12, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, lý giải về hai quyết định chi thù lao cho lãnh đạo, cán bộ của Sở GD-ĐT TP.HCM là do: “NXB Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM để tập hợp đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, học giả có kinh nghiệm và thành lập Ban Chỉ đạo biên soạn bộ SGK miền Nam (nói chính xác hơn là bộ SGK được biên soạn bởi hầu hết các tác giả tại khu vực phía nam - bộ SGK “Chân trời sáng tạo”), với nhiệm vụ định hướng chuyên môn, phối hợp tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo… cho đội ngũ tác giả; thực hiện góp ý, chỉnh sửa nội dung của các bản thảo… Các thành viên ban chỉ đạo đảm nhiệm những phần công việc liên quan khác nhau, với tính chất mức độ khác nhau và phải hoàn thành theo yêu cầu bên cạnh công việc chuyên môn thường xuyên. Trên cơ sở đó, NXB Giáo dục Việt Nam cân đối tính toán mức thù lao phù hợp từ nguồn kinh phí của mình”.
PV Thanh Niên đề nghị NXB lý giải và nhận định về lo ngại khi việc chọn SGK được giao về các địa phương (theo luật Giáo dục 2019) mà lãnh đạo, cán bộ của một sở GD-ĐT có thị phần lớn như TP.HCM lại được trả thù lao hằng tháng của NXB thì việc chọn SGK có thể khách quan, minh bạch được không? Ông Nguyễn Văn Tùng viện dẫn dự thảo thông tư hướng dẫn chọn SGK (thực hiện tạm thời theo Nghị quyết 88 trong khi chờ luật Giáo dục có hiệu lực thi hành vào tháng 7.2020) mà Bộ GD-ĐT công bố và cho rằng: “Các địa phương sẽ lựa chọn SGK trên cơ sở chất lượng của các bộ sách, mức độ phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, cũng như khả năng của các NXB trong việc đồng hành, hỗ trợ giáo viên suốt quá trình tổ chức dạy - học”.
Bình luận (0)